Ông Poonen đã gọi
thời kỳ đính hôn là sự “đếm ngược” trước khi đến ngày cưới. Đây là những tháng
ngày thú vị ngay trước khi bước vào hôn nhân. Đôi lứa theo nghi lễ hay không
theo nghi lễ tuyên bố rằng họ chính thức thuộc về nhau. Để bảo đảm cho tình
yêu, chàng trai có thể tặng cho người yêu của mình chiếc nhẫn đính hôn như một
dấu ấn rằng cô đã thuộc về chàng. Tuy nhiên, thật thú vị khi ta để ý thấy rằng
nhẫn đính hôn thường được các chàng trai tặng cho bạn gái sau khi các cô nói
“đồng ý” mà chưa hề xác định ngày cưới. Do đó, thời gian đính hôn chỉ mang ý
nghĩa một sự công bố chính thức mà thôi. Đây cũng là thời gian để làm quen với
gia đình và họ hàng của cả đôi bên. Thời kỳ để hoạch định và chuẩn bị. Thời kỳ
mà tình cảm và cảm xúc dâng cao.
Câu hỏi thường
được nêu lên là: “Nên đính hôn trong bao lâu?” Lâu đủ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho
hôn nhân, gồm có về mặt vật chất, thể chất và tinh thần. “Đính hôn nhằm giúp
chuyển tiếp từ tình trạng độc thân tương đối vô trách nhiệm đến sự tận hiến có
trách nhiệm trong hôn nhân. Đây là thời kỳ đặc biệt dành để sắp xếp và thử
thách” (D.H. Small, Mô Hình Cho Hôn Nhân Cơ Đốc, trang 201)
Nếu trước đây đã
có thời gian tìm hiểu, quen biết và nhận xét thì không cần đính hôn lâu. Nhiều
quyển sách khuyên khoảng từ sáu tháng đến một năm, chứ không nên kéo dài hơn.
Trên quan điểm
thực tế và tình cảm, đính hôn kéo dài hoặc bị kéo dài là thiếu khôn ngoan. Đối
với hai người yêu nhau tha thiết, thời gian chờ đợi nếu không cần thiết rất khó
chịu đựng. Nếu có những lý do chính đáng để trì hoãn như đau ốm thình lình hoặc
chưa đủ tài chánh, điều ấy có thể biện minh được. Nhưng một chàng trai thất
nghiệp mà đề nghị thành hôn với lời hứa hẹn chỉ là mối tình mang theo, ngoài ra
không có gì cả, thì hơi xử ép với người yêu của mình.
Nếu đính hôn là
thời gian để trù tính, thì chúng ta trù tính cái gì và với ai?
Hãy trả lời câu
sau trước. Tốt nhất là nên bàn bạc với nhau. Nên nhớ đây là lễ cưới của các
bạn, cả hai bạn. Bàn thảo và chuẩn bị sẽ giúp cả hai thấy được điều gì sẽ xảy
ra. Các bạn sẽ khám phá ra rằng với con số 1001 điều phải suy tính, hôn nhân
không phải chỉ toàn ánh trăng và hoa hồng. Nó đòi hỏi phải tận lực, cùng nhau
làm việc, kiên trì và tự chủ. Nó cũng đòi hỏi phải có tiền nữa.
Hãy xin ý kiến
cha mẹ. Họ là những người đầu tiên sẵn sàng làm bất cứ việc gì để ngày cưới của
các bạn là một dịp tiện vui vẻ. Lời khuyên của họ sẽ rất có giá trị khi các bạn
bàn thảo. Ngoài ra, họ cũng cần được an tâm rằng các bạn cần họ giúp đỡ và các
bạn không hề có ý định gạt họ ra bên lề.
Hãy trở lại với
câu hỏi thứ nhất: Cần phải trù tính điều gì với nhau? Tất nhiên, ý nghĩ đầu
tiên đến với hai bạn là khi nào thì đám cưới? Tháng 12, tháng 6 hay tháng 9?
Một điều rất thực tế cần chú ý khi định ngày là chu kỳ kinh nguyệt của cô gái.
Vì thế cô nên đề nghị ngày đám cưới.
Đám cưới ở đâu?
Người thì tổ chức
đám cưới ở trong vườn, ở nhà, bên bể bơi, tại uỷ ban và có người còn cưới ở
dưới nước. Đối với CDN, một đám cưới ở nhà thờ luôn luôn đẹp và ý nghĩa. Chúng
ta tôn vinh Chúa bằng cách đưa nhau đến nhà Ngài xin Chúa chúc phước và thừa
nhận cuộc sống có nhau. Một đám cưới ở nhà thờ có thể là cách để làm chứng cho
bạn bè, thân bằng quyến thuộc chưa tin Chúa khi họ đến chia vui với chúng ta.
Bạn có thể chi
phí đến bao nhiêu?
Có ai trong chúng
ta lại không muốn đám cưới của mình trọng thể, linh đình? Nhưng linh đình,
trọng thể không đồng nghĩa với phô trương và cầu kỳ. Cả hai phải thực tiễn để
biết được túi tiền của mình có thể chi đến đâu (nhất là chú rể).
Hình thức đám
cưới các bạn trù tính, số người thân và bạn bè các bạn mời, kể cả những người
không mời cũng đến sẽ quyết định số tiền phải chi. Trong vòng con cái Chúa, đã
nhanh chóng hình thành phương thức đóng góp chi phí. Một số phụ huynh (của cô
dâu) tình nguyện đóng góp và việc này giúp cho chú rể không ít.
Ai sẽ tham dự?
Một số người rất
thân thiết và chúng ta muốn họ cùng chia xẻ hạnh phúc của chúng ta trong ngày
cưới. Việc chọn vị mục sư hoặc các vị mục sư, người đỡ đầu, người tham dự
vv...phải dựa trên căn bản tình cảm của họ đối với chúng ta chứ không phải trên
tiếng tăm, ảnh hưởng hoặc sự giàu có của họ. Người “đỡ đầu” phải được chọn lựa
vô cùng cẩn thận. Trong văn hóa Philippine, họ là cha mẹ tinh thần, vì thế họ
phải có phẩm cách. Họ phải là những người không những chỉ chứng kiến sự hợp
pháp của cuộc hôn nhân, nhưng là người sẽ tiếp tục cầu thay cho chúng ta dù
tiếng chuông báo hiệu hôn lễ đã kết thúc từ lâu.
Các bạn sẽ hưởng
tuần trăng mật ở đâu?
Sau đám cưới, các
bạn sẽ thích có một thế giới riêng tư để vui vẻ với nhau ít nhất là trong những
ngày đầu của cuộc sống. Đừng quên bàn bạc về chuyện này. Hai, ba tuần trước
ngày cưới, nên giữ chỗ trước và chuẩn bị chu đáo. Các bạn không cần phải đi
Hong Kong hay Baguio để hưởng tuần trăng mật. Điều cơ bản mà các bạn cần là sự
riêng tư và thoải mái để tự do sống với nhau. Một căn nhà nhỏ trên núi hoặc một
túp lều bên bãi biển gần nơi bạn ở cũng được rồi.
Sau đó các bạn sẽ
ở đâu?
Các bạn sẽ mướn
nhà, xây nhà riêng hay ở chung với một trong hai bên cha mẹ? Đôi khi điều này
lại trở thành một vấn đề. Sợ phải bươn chải trên sức mình, các bạn chọn cuộc
sống dễ chịu hơn, đó là ở với cha mẹ. Lời Kinh Thánh bàn về vấn đề hôn nhân như
sau: “Người nam phải lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một
thịt” (Sa 2:24). Và dường như cũng không có chỗ nào khuyên các bạn
nên sống với cha mẹ vợ cả.
Rey phân vân giữa
việc nên hay không nên lìa cha mẹ. Anh sắp sửa kết hôn với Nora, nhưng vì là
con một của cha mẹ lớn tuổi, anh cảm thấy nên sống chung với họ sau khi kết
hôn. Anh nói chuyện này với Nora. Cả hai cùng nhận thấy sự cần thiết của việc
sống độc lập, nhưng đồng thời cũng nhận thấy bổn phận của mình đối với cha mẹ.
Với sự cảm thông sâu xa, Nora đồng ý sống chung tạm thời với bố mẹ của Rey cho
đến khi cả hai có thể mướn được nhà trong thành phố nơi họ làm việc. Mọi sự đều
suôn sẻ với họ.
Khi các bạn suy
tính, nên chuẩn bị. Chuẩn bị chính mình cho cuộc sống gia đình. Phải biết rõ
các bạn được thông tin đầy đủ về vai trò tính dục của người chồng, hay người
vợ. Đừng dựa trên những câu chuyện tếu lâm mình nghe được từ bạn bè cũng chẳng
biết gì như mình, hoặc đọc trong những chuyện khôi hài hay tiểu thuyết. Nhưng
thay vào đó, nên cố gắng tìm những tài liệu thông tin chính xác từ những tác
giả đứng đắn. Bạn sẽ tìm được một số sách hoặc tiểu phẩm liệt kê ở cuối sách.
Hãy làm sáng tỏ những điều các bạn đọc bằng cách trao đổi với những tín hữu
trưởng thành đã lập gia đình, nên là những người cùng giới thì tốt hơn. Riêng
các bạn nam luôn luôn có thể hỏi vị mục sư của mình. Vợ của các mục sư cũng nên
trang bị kiến thức về vấn đề này để giúp các thanh nữ nhút nhát, e thẹn, kín
đáo vốn ngại nói về đề tài tính dục.
Các bạn nên đi
khám sức khỏe như một thủ tục. Các bạn có thể cùng đi hoặc đi riêng nếu cảm
thấy sự có mặt của người kia là bất tiện. Nếu có bác sĩ là tín hữu trong khu
vực của bạn thì sẽ dễ thông cảm và hiểu biết hơn. Nếu không thì bác sĩ của gia
đình hoặc bác sĩ của bệnh viện cũng được. Bác sĩ sẽ giúp bạn hiểu tốt hơn về
khía cạnh thể chất trong hôn nhân.
Các bạn có thể
hỏi: “Sao lại phải đi khám sức khỏe?” “Tôi khỏe mà”, có thể bạn nghĩ như thế.
“Và hơn nữa, khám ngượng chết đi được.”
Một giấy chứng
nhận sức khỏe tốt chẳng lấy mất cái gì nơi bạn. Nếu cả hai bạn cùng khỏe, điều
này sẽ giúp các bạn an tâm và hạnh phúc. Nếu một trong hai, hoặc cả hai có bệnh
gì đó, thì các bạn có đủ thì giờ để chữa trị. Còn nếu là bệnh nghiêm trọng, các
bạn có thể dời ngày cưới chờ cho khỏe hẳn. Còn nếu không chờ được thì ít nhất
các bạn cũng bước vào cuộc sống lứa đôi với ý thức về bệnh tật của mình. Nếu
bệnh không thể chữa được và các bạn vẫn tin rằng Chúa muốn các bạn sống với
nhau, thì sẽ không có hối tiếc về sau.
Sức khỏe là tài
sản thiết yếu mà bạn mang theo vào hôn nhân. Các đôi lứa mạnh khỏe thường có
tâm tính vui vẻ hơn và cái nhìn lạc quan hơn vào cuộc sống. Người phụ nữ nên
nhớ rằng mình sẽ sinh con và sức khỏe của con cái lúc mới sinh tùy thuộc nơi
người mẹ. Người chồng là người kiếm tiền nuôi sống gia đình cần có sức khỏe
cường tráng.
Đính hôn là thời
gian để suy tính, chuẩn bị và cũng để cầu nguyện nữa. Tất nhiên, các bạn đã
cùng nhau cầu nguyện lâu rồi. Nhưng lúc này những lời cầu nguyện của các bạn
đặc biệt hơn và có mục tiêu rõ ràng. Hãy dâng lên Chúa từng chi tiết trong đám
cưới của các bạn, sự chuẩn bị, những vấn đề dường như sẽ gặp và một lô những
vấn đề khác. Cũng không sớm lắm đâu khi các bạn chia sẻ kinh nghiệm về sự hiệp
một trong tâm hồn, tâm trí và tâm linh. Một cuộc hôn nhân được vun đắp bằng
những lời cầu nguyện và nhận định chân thực về những khó khăn trong cuộc sống
sẽ làm dịu bớt những thăng trầm trong đời sống. Chúng ta cũng cần luôn nhớ rằng
DCT muốn và vui thích đáp lời cầu xin của con cái Ngài, thế thì đừng ngần ngại
trao cho Ngài mọi sự.
Chúng ta sẽ chấm
dứt phần nói về đính hôn bằng một câu của tác giả Poonen: “Đính hôn không phải
là giấy chứng nhận cho phép quan hệ tình dục. Có một thời kỳ cho mỗi vấn đề. Có
thời ôm ấp và có thời hạn chế việc ôm ấp (Tr 3:5). Thời kỳ ôm ấp là sau hôn lễ. Hãy kiên nhẫn, các bạn sẽ thấy đời sống gia
đình thú vị hơn nhiều, vì sẽ không có hối tiếc gì trong hôn nhân. Khi một cặp
thanh niên nam nữ khởi sự âu yếm nhau trước hôn lễ, họ đã tạo ra khả năng làm
hỏng mối tương giao cá nhân, những căng thẳng tình cảm gia tăng, cầu nguyện
chung không thực hiện được (vì bận âu yếm nhau) và có nguy cơ tiến đến quan hệ
tình dục với nhau trước khi lập gia đình.
Khả năng hồi hôn
cũng phải dự trù trong trí các bạn. Nếu âu yếm nhau quá mức, khi cuộc đính hôn
tan vỡ, cô gái sẽ tiếc nuối vì đã để cho chàng trai sử dụng thân thể mình.”
(Zac Poonen: Tình Dục, Tình Yêu Và Hôn Nhân, trang 107)
Thế thì chúng ta
hãy nhớ rằng thời kỳ đính hôn vẫn còn nằm ngoài phạm vi hôn nhân. Nếu cho rằng
các cặp đính hôn có thể bắt đầu những giây phút thân mật thể xác vì chẳng bao
lâu nữa họ sẽ kết hôn là đi trước kế hoạch hạnh phúc của DCT. Chúng ta có thể
phá vỡ mọi sự vì quá nôn nóng không đúng lúc.