Về vấn đề cho tiền con cái trong tuổi thiếu niên, mỗi phụ huynh thường áp dụng một nguyên tắc khác nhau. Nói chung có 4 nguyên tắc chính như sau:
(1) Đến đâu hay đó, khi nào con cần thì xin và nếu thấy hợp lý thì cha mẹ cho chứ không đặt luật lệ rõ ràng.
(2) Không cho con tiền để chi dùng vào những nhu cầu riêng, vì chủ trương rằng trách nhiệm của cha mẹ là chỉ cung cấp cho con những điều cần yếu trong đời sống mà thôi.
(3) Cho con mỗi tháng một số tiền nhất định, tùy con sử dụng theo nhu cầu, thiếu hay đủ cha mẹ không chịu trách nhiệm.
(4) Tổng hợp các phương cách trên và uyển chuyển tùy từng trường hợp.
Trong bài kỳ trước, chúng tôi đã trình bày hai phương cách đầu tiên nên hôm nay sẽ nói về phương cách thứ ba và thứ tư.
Phương cách 3: Cho con mỗi tháng hay mỗi tuần một số tiền nhất định để chi dùng riêng.
Có những phụ huynh đời sống kinh tế thoải mái và cũng thông cảm với nhu cầu của con trong tuổi thiếu niên nên đặt ra một lệ là mỗi tháng cho con một số tiền nhất định, nhiều hay ít tùy theo khả năng của cha mẹ, để con sử dụng vào những việc cần thiết. Đây không phải là tiền cho con vì con chia xẻ gánh nặng công việc trong gia đình với cha mẹ. Cũng không phải là tiền thưởng vì con học giỏi hay làm việc giỏi. Đây chỉ là số tiền cha mẹ muốn cho con mỗi tháng để con dùng như thế nào tùy ý.
Phương cách này có nhiều lợi điểm cho con cái lẫn cha mẹ. Trước hết giữa cha mẹ và con cái tránh được những phiền hà về vấn đề tiền bạc. Dĩ nhiên là trước khi cho con tiền, chúng ta cần nói cho con biết là cha mẹ chỉ có thể cho chừng đó, con phải tùy nhu cầu mà sử dụng, không được xin thêm. Lợi điểm thứ hai là vì các em biết mình có tiền hằng tháng để dùng vào những nhu cầu đặc biệt nên các em không phải lo hay buồn vì không có tiền khi cần. Và vì số tiền cha mẹ cho giới hạn nên các em sẽ cẩn thận khi chi dùng và sẽ biết quản lý, tính toán trong số tiền mình có. Nhờ những điều đó các em tập được tinh thần trách nhiệm và không dám xài phung phí.
Một lợi điểm khác nữa là các em không phải lo đi làm thêm để có tiền chi dùng riêng nên có thể dành trọn thì giờ lo việc học hành. Ngoài giờ học, các em được ở nhà, gần bên cha mẹ, anh chị em và cũng có thì giờ tham dự những sinh hoạt của trường học hay hội thánh. Tuy nhiên, điều bất lợi trong phương cách này là con em chúng ta vì được cha mẹ cho tiền nên có thể không nhìn thấy giá trị đồng tiền, không hiểu làm ra tiền khó như thế nào. Hơn nữa, vì được cha mẹ cung cấp đầy đủ, các em có thể không thấy mình có trách nhiệm phải đi làm thêm để phụ giúp gia đình và để bớt tốn kém cho cha mẹ. Một bất lợi nhỏ khác khi áp dụng phương cách này là khi có một nhu cầu lớn hơn số tiền cha mẹ cho, con em chúng ta sẽ lúng túng không biết tính làm sao.
Phương cách 4: Tổng hợp của các phương cách trên và uyển chuyển tùy từng trường hợp
Những phụ huynh áp dụng phương cách thứ tư thường thông cảm với nhu cầu của con, cho con mỗi tháng một số tiến nhất định nào đó để chi dùng vào những việc cần thiết, nhưng cũng khuyến khích con tìm việc làm thêm để có tiền dùng vào những nhu cầu đặc biệt hoặc bất ngờ. Tuy nhiên, những lúc con phải lo học thi hoặc bị ốm đau, không đi làm thêm được, cha mẹ vẫn sẵn sàng cho con tiền dùng vào những việc chính đáng. Đây là phương cách rất tốt. Nó không làm con em chúng ta buồn vì không có tiền trong túi khi cần mà cũng không tập cho các em tính ỷ lại và tùy thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Có lẽ trong chúng ta có người vẫn còn nhớ những ngày đi học trời nắng, đường xa, mệt mỏi, khát nước mà không có một đồng trong túi để uống nước. Có người vẫn còn nhớ nỗi buồn trong lòng ngày còn nhỏ khi thấy bạn bè có tiền mua món này vật kia theo ý thích trong khi mình không bao giờ dám mơ ước những điều đó.
Phương cách thứ tư này có nhiều sự uyển chuyển, dễ cho con em chúng ta có thì giờ và cơ hội vui hưởng tuổi thiếu niên. Các em có một số tiền cha mẹ cho hằng tháng nhưng cũng có thể đi làm thêm để dùng vào những việc khác. Trong những dịp đặc biệt, như vào ngày tết, ngày bãi trường, ngày nhập học, khi con cần chi dùng tiền nhiều hơn một chút, cha mẹ cũng sẵn sàng cho. Cho một cách vui vẻ, thông cảm chứ không than phiền hoặc trách mắng con. Khi được cha mẹ thông cảm, cho tiền một cách hữu lý và chừng mực các em sẽ biết ơn cha mẹ. Và vì có cơ hội đi làm thêm, các em cũng biết được giá trị đồng tiền. Nhờ đó các em không tiêu xài phung phí, không ỷ lại vào cha mẹ mà cũng không xem thường cha mẹ vì có thể đi làm ra tiền để tiêu xài riêng.
Khi áp dụng phương cách này, con em chúng ta sẽ có cái nhìn đúng về tiền bạc: không xem thường đồng tiền, cũng không xem nó quá quan trọng. Nếu không xem thường tiền bạc, các em không tiêu xài hoang phí nhưng biết đặt kế hoạch đàng hoàng. Nhờ không xem tiền bạc quá quan trọng và cần thiết, các em không bị thúc đẩy bỏ dở việc học để đi làm, cũng không xem tiền bạc trọng hơn tình người. Vì cha mẹ cho tiền cách chừng mực chứ không cho quá nhiều nên các em cũng không ỷ lại vào cha mẹ, không đi chơi hoang đàng tiêu xài hoang phí và tiếp tục làm gánh nặng cho cha mẹ về mặt kinh tế. Với phương cách vừa cho vừa khuyến khích con đi làm thêm, cha mẹ dễ có cơ hội giúp đỡ con và hướng dẫn con cách quản lý tiền bạc.
Nếu con chúng ta đã 15, 17 tuổi, vấn đề thực tế là các em cần có ít tiền để dùng vào những việc riêng tư, theo ý các em. Cha mẹ cần thông cảm với con và nếu được, cho con một số tiền hằng tháng để con cảm thấy thoải mái sung sướng. Trong trường hợp gia đình quá chật vật, cha mẹ không có tiền để cho con chi dùng ngoài nhu cầu cơm ăn áo mặc, nếu các em giúp cha mẹ trong việc mua bán, làm ruộng hoặc trong những công việc khác liên quan đến kinh tế gia đình, cha mẹ cũng nên cho con được hưởng một phần lợi tức.
Dĩ nhiên là chúng ta không phải trả công hay trả lương cho con, nhưng cũng nên cho con hưởng phần nào trong số lợi tức của gia đình, để các em thấy công khó của mình cũng mang lại lợi ích. Khi thấy mình được hưởng công lao sự khó nhọc của chính mình, các em sẽ hăng hái hơn trong việc phụ giúp cha mẹ. Trong Kinh Thánh Chúa dạy: Chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Lời dạy này hàm ý rằng khi một người lao động cực nhọc, chúng ta phải cho người đó được hưởng công lao sự khó nhọc của mình.
Dù áp dụng phương cách nào trong vấn đề tiền bạc, cha mẹ cũng cần đặt một tiêu chuẩn rõ ràng cho con noi theo. Là người tin Chúa, chúng ta không đặt nặng vấn đề tiền bạc, không xem trọng đồng tiền cũng không quá lo lắng về vật chất. Tuy nhiên, chúng ta cần dạy cho con biết giá trị đồng tiền. Giúp con biết quản lý tiền bạc, biết tiết kiệm phòng xa, chi dùng vừa phải. Chúng ta cũng không quên dạy con biết dâng hiến một phần mười cho Chúa, biết dùng tiền bạc giúp đỡ người khác và đầu tư vào những điều hữu ích. Điều quan trọng chúng ta cần nhớ là cảnh cáo con về những đồng tiền phi nghĩa. Đây là những đồng tiền chúng ta đoạt của người khác bằng những phương cách không ngay thẳng như cướp giựt, lường gạt, gian dối. Đây là tội chúng ta phải tránh xa. Con em chúng ta cũng phải tránh những hình thức cờ bạc, mua vé số, v.v..., là những tiền bạc không do công lao sức lực chúng ta làm ra. Đó là những đồng tiền không trong sạch, người tin Chúa không nên đụng đến hay trông chờ nhận được.
Những điều con em chúng ta học nơi cha mẹ về cách sử dụng tiền bạc có một ảnh hưởng lớn lao trong đời sống các em sau này. Vì thế chúng ta không những khuyên dạy, chỉ bảo bằng lời nói nhưng cũng làm gương cho con trong cách chúng ta sử dụng tiền bạc trong đời sống hằng ngày. Nếu đời sống thiếu thốn, chúng ta không nên than van nhưng hết lòng tin cậy vào sự tiếp trợ của Chúa. Nếu được Chúa cho dư giả chúng ta cũng không nên chiều con, cho con tất cả những gì con mong muốn.
Tác giả Châm Ngôn thứ 30 trong Thánh Kinh Cựu Ước có một lời cầu nguyện thật sâu sắc về đời sống vật chất. Chúng ta cũng nên lấy lời cầu nguyện này làm điều tâm niệm cho chính mình và cầu xin Chúa cho chúng ta được như lời tác giả cầu xin: "Tôi có cầu Chúa hai điều: xin chớ từ chối trước khi tôi thác: Xin dan xa khỏi tôi sự lường gạt và lời dối trá. Chớ cho tôi nghèo khổ hoặc sự giàu sang, hãy nuôi tôi đủ vật thực cần dùng. E khi no đủ tôi từ chối Chúa mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e tôi bị nghèo khổ, trộm cắp và làm ô Danh của Đức Chúa Trời tôi chăng" (30:7-9).
Trên hết, nguyên tắc căn bản chúng ta cần dạy cho con về vấn đề tiền bạc và vật chất là lời khuyên của sứ đồ Phao-lô trong thư II Ti-mô-thê chương 6: Niềm tin kính và lòng mãn nguyện là lợi ích lớn. Vì con người ra đời tay trắng, khi qua đời cũng chẳng đem gì theo được; nên đủ ăn đủ mặc là thỏa lòng rồi. Người ham làm giàu thường mắc vào những cám dỗ và cạm bẫy, bị lôi cuốn vào những lòng chảo tham dục dại dột và tai hại, bị nhận chìm xuống đáy biển hư hoại và diệt vong. Vì lòng ham mê tiền bạc là căn nguyên của mọi tội ác. Có những người vì tham tiền mà mất đức tin, chịu bao nhiêu phiền muộn, khổ đau (I Ti-mô-thê 6:6-10). Cầu xin Chúa giúp chúng ta không xem tiền bạc trọng hơn con cái. Không dùng tiền để mua chuộc tình thương của con nhưng cũng không quá keo kiệt với con.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành