Vấn đề về tiền bạc (P1)

Cũng như nhiều người khác, sáng thứ bảy là ngày bà Tư đi chợ. Không đi mua sắm quần áo thì cũng đi mua thức ăn. Mỗi lần bà đi, hai đứa con nhỏ thường xin đi theo. Không phải đi theo để giúp mẹ nhưng là để tìm xem có gì thích thì xin mẹ mua cho.
Bà Tư thấy không cho con theo cũng tội vì suốt cả tuần ba mẹ con ít có thì giờ nói chuyện với nhau, nhưng cho đi thì nhiều lúc bà cũng bực mình. Vì vào chợ các con cứ hay đòi mua món này, vật kia, hầu hết là những thứ không cần thiết. Nếu không mua thì con buồn mà mua thì tốn tiền vô ích. Nhiều lúc bà Tư nghĩ hay là cho con mỗi tháng một ít tiền muốn mua gì thì mua, để các em khỏi xin mà bà cũng khỏi phải bực bội với con? 

Ngày trước, khi còn nhỏ, ngoại trừ ba ngày Tết được tiền lì xì nên có vài chục đồng trong túi, còn thì quanh năm, chẳng mấy khi chúng ta được cha mẹ cho tiền để tiêu vặt. Nhiều người dù đã lớn, nếu cần gì cũng phải xin cha mẹ chứ ít khi nào được cha mẹ cho tiền hằng tháng để chi tiêu riêng. 

Ngày nay chúng ta sống trong một hoàn cảnh khác. Không những cha mẹ có thể sắm cho con đầy đủ những gì con cần mà còn có thể cho con những gì con muốn. Nhiều người cho con tiền hằng tháng để tiêu vặt hoặc muốn làm gì tùy ý, dù con chỉ mới 9, 10 tuổi. Câu hỏi nhiều người đặt ra là: Cha mẹ có nên cho con tiền chi dùng riêng hằng tháng hay không? Nếu có thì nên cho bao nhiêu, và làm thế nào để dạy con biết giá trị đồng tiền? Đây là những vấn đề chúng ta cần cân nhắc và quyết định để con cái biết giá trị đồng tiền và không tiêu xài hoang phí. 

Nhiều người trong chúng ta thật vất vả, đi làm suốt bảy ngày một tuần. Có người phải làm giờ phụ trội hoặc làm hai job một lúc. Đã vậy lại không dám ăn dám mặc, nhưng điều đáng thương là làm được bao nhiêu tiền con cái tiêu xài hết bấy nhiêu. Những phụ huynh này có những đứa con trong tuổi thiếu niên, không biết giá trị đồng tiền, cũng không nghĩ đến nỗi vất vả của cha mẹ. Vì được cha mẹ nuông chiều, các em cứ đòi cha mẹ mua món này sắm món kia. Nếu cha mẹ từ chối thì phiền giận, cho là cha mẹ không thương. 

Khi con chúng ta còn nhỏ, tiền bạc ít khi nào là vấn đề gây nên buồn giận giữa chúng ta với con, nhưng khi các em đến tuổi thiếu niên, không những nhu cầu gia tăng mà các em cũng hay đòi hỏi nhiều thứ. Có em đòi cha mẹ phải mua những loại áo quần, giày dép với nhãn hiệu nổi tiếng, thật đắt tiền mới chịu, nếu không thì mặc cảm với bạn bè, buồn giận cha mẹ. Ngoài quần áo giày dép, nhiều người còn phải sắm cho con đồ chơi, ti-vi, dàn stereo, máy điện toán, v.v... 

Rồi khi con bắt đầu lái xe, chúng ta lại phải lo mua xe, mua bảo hiểm. Gánh nặng tiền bạc càng nặng nề hơn khi con lái xe bị tai nạn, hoặc bị mất xe, hư xe. Nhiều lúc chúng ta thật ngao ngán và mệt mỏi, vì nhu cầu của con hầu như bất tận, chúng ta không thể nào đáp ứng nổi, làm bao nhiêu tiền cũng không đủ cung cấp nhu cầu cho con. Đã vậy, có những em đi học bao nhiêu năm mà không ra trường, không có việc làm nên cha mẹ cứ phải tiếp tục cung phụng mọi thứ. 

Khi bàn đến vấn đề tiền bạc và con cái trong tuổi thiếu niên. Câu hỏi mà nhiều phụ huynh thường đặt ra là, cha mẹ có nên cho con một số tiền hằng tháng để chi dùng riêng hay không? Hay con cần gì cha mẹ mua cho là đủ? 

Thật ra mỗi phụ huynh nuôi dạy con một cách khác nhau. Có người chủ trương rằng dù ở tuổi nào con cái cũng không nên giữ tiền trong tay, nếu còn nhỏ mà có tiền xài riêng, lớn sẽ quen tính tiêu xài hoang phí. Những phụ huynh khác thì nghĩ rằng ngoài những điều căn bản cung cấp cho con, cha mẹ nên cho con một ít tiền để chi dùng riêng, cũng để tập cho con biết quản lý tiền bạc và biết giá trị đồng tiền. 

Khi con còn nhỏ, cha mẹ cho gì ăn nấy, sắm gì mặc nấy, cần gì thì cha mẹ mua cho. Ngoài những nhu cầu căn bản, các em không cần tiền để làm gì cả. Nhưng khi bước vào tuổi thiếu niên, con em chúng ta bắt đầu có những sinh hoạt riêng với bạn. Một số những sinh hoạt này có khi tốn kém, vì thế các em cần có ít tiền trong túi. Ví dụ như khi đi học các em cần mua nước uống, thỉnh thoảng đi ăn trưa với bạn hoặc mua quà bánh. Có khi các em cần mua giấy bút, tập vở hoặc mua quà sinh nhật cho bạn. 

Những lúc đó các em không thể chạy về nhà xin tiền cha mẹ, cha mẹ cũng không có nhà để cho các em. Vì thế khi con đến tuổi thiếu niên, có lẽ cha mẹ nên cho con một số tiền căn bản nào đó để khi cần các em không cảm thấy lúng túng hay bị gò bó, khó chịu. Khi đi học, con em chúng ta cũng có thể gặp chuyện bất trắc, cần có tiền để gọi điện thoại về nhà hoặc để mua một vật cần dùng nào đó. Những lúc đó nếu có vài đồng trong túi, các em có thể tự lo một cách dễ dàng. 

Thật ra, trong đời sống vật chất dư thừa này, nan đề của hầu hết chúng ta không phải là không thể cho con tiền để chi dùng những việc cần thiết nhưng là không biết nên cho con bao nhiêu. Có người cho con quá nhiều tiền, quá sớm, một cách không cần thiết nên vô tình tập cho con tính tiêu xài hoang phí. 

Cha mẹ cần hướng dẫn con cái trong vấn đề sử dụng tiền bạc, để các em trở nên người khôn ngoan, có tinh thần trách nhiệm, biết giá trị đồng tiền và biết chi dùng tiền bạc cách chừng mực. Đây cũng là một sự phát triển cần thiết trong đời sống con mà cha mẹ cần quan tâm. Chúng ta có thể giúp con trở nên người trưởng thành trong vấn đề tiền bạc nhưng cũng có thể làm hại con, tùy cách chúng ta sử dụng tiền bạc với con và cho con. 

Tiền bạc có thể trở thành một nan đề giữa cha mẹ và con cái nếu chúng ta không có những nguyên tắc hay luật lệ rõ ràng. Cũng có khi nan đề xảy ra vì cha mẹ quá chi li hoặc quá rộng rãi trong vấn đề tiền bạc, hoặc nay thế này mai thế khác, không có một tiêu chuẩn nhất định. Khi cha mẹ ý thức rằng tiền bạc cũng là vấn đề quan trọng trong đời sống con, hướng dẫn con và thông cảm với nhu cầu của con thì sẽ đỡ được những điều lo lắng buồn phiền sau này. 

Keith Olson, một nhà khải đạo chuyên về tuổi thiếu niên cho biết, thông thường các bậc phụ huynh áp dụng một trong bốn cách sau đây trong việc cho con tiền để chi dùng riêng: 

Phương cách 1: Đến đâu hay đó 

Đây là trường hợp cha mẹ không đặt một luật lệ nào. Mỗi khi nào con cần tiền để dùng vào việc gì, con sẽ xin cha mẹ. Cha mẹ sẽ suy nghĩ và quyết định có nên cho hay không. Lợi điểm của phương cách này là con em chúng ta không phải lo lắng về vấn đề tiền bạc. Mỗi khi cần gì các em cứ xin là cha mẹ cho, hoặc không cho thì thôi. Các em không có trách nhiệm gì. Một lợi điểm khác là con em chúng ta không phải lo đi làm thêm để có tiền chi dùng, nhưng có thể dành trọn thì giờ cho việc học hành và các sinh hoạt khác. Việc học của các em không bị ảnh hưởng và các em có thì giờ vui chơi với bạn bè, với gia đình. 

Tuy nhiên, nếu cha mẹ áp dụng phương cách đến đâu hay đó, khi con cần tiền nếu có thì cho, không có thì thôi, con em chúng ta cũng có nhiều điều bất lợi. Như chúng ta đã biết, tuổi thiếu niên là tuổi chuyển mình từ trẻ con trở thành người lớn. Đây là giai đoạn con em chúng ta học tập tinh thần trách nhiệm trong mọi phương diện của đời sống, để chuẩn bị bước ra đời. Phương cách đến đâu hay đó trong vấn đề tiền bạc của cha mẹ có thể khiến con trở thành vô trách nhiệm. Khi cần tiền con em chúng ta chỉ biết chạy đến xin cha mẹ chứ các em không biết quản lý tiền bạc, không biết để dành tiền cũng không biết tính toán để không bị thiếu hụt. 

Một điều bất lợi khác trong phương cách đến đâu hay đó là con em chúng ta sẽ có thói quen ỷ lại vào cha mẹ. Lúc nào các em cũng nghĩ là có cha mẹ lo cho mình. Trong khi đó cha mẹ cứ tiếp tục phải lo cho con vì con không biết tự lo tự tính toan. Các em sẽ không những không biết dự bị tiền bạc cho những chi tiêu cần thiết nhưng các sinh hoạt của các em sẽ tùy thuộc vào quyết định của cha mẹ. Nếu cha mẹ cho tiền các em sẽ làm được điều muốn làm, đi đến nơi các em muốn đi, nếu cha mẹ không cho tiền các em không có cách nào khác. Nếu tình trạng này kéo dài cho đến khi con em chúng ta đến tuổi thành niên và có gia đình, các em có thể trở nên người quá vô tâm, đến đâu hay đó, không biết tính toan, cũng không biết làm ngân sách cho gia đình. 

Thường thường, những phụ huynh áp dụng phương pháp đến đâu hay đó là những người bận rộn, đi làm nhiều nên có nhiều tiền nhưng không có thì giờ cho con. Vì thế thường lấy tiền bạc để bù đắp cho sự vắng mặt của cha mẹ bên cạnh con. Khi không có thì giờ cho con, chúng ta cảm thấy mình thiếu trách nhiệm với con, hoặc tội nghiệp con vì con thiếu tình thương của cha mẹ, vì thế mỗi khi con xin tiền cha mẹ sẵn sàng cho, cho nhiều và lắm khi không suy nghĩ gì cả. Tai hại trong phương cách này là chúng ta vô tình tập cho con tính phung phí tiền bạc, không biết giá trị đồng tiền và nghĩ rằng mình có thể lấy tiền bạc để thay thế hay mua chuộc tình thương. 

Không những thế, các em sẽ quen tính đòi hỏi cha mẹ. Khi không có tiền để sử dụng theo ý thích, các em có thể sẽ bực bội, khó chịu, không thể đặt mình vào kỷ luật và do đó có thể đi đến chỗ lấy cắp tiền của cha mẹ hay của người chung quanh. 

Phương cách 2: Không cho con tiền gì cả 

Có những bậc phụ huynh chủ trương rằng trách nhiệm của cha mẹ là cho con có nơi ở, thức ăn, quần áo và sách vở để đi học. Tất cả những nhu cầu khác không thuộc trách nhiệm của cha mẹ. Những cha mẹ này không bao giờ cho con một đồng nào. Nếu con muốn có tiền chi dùng vào những việc riêng cho mình thì phải tự lo lấy. Hoặc là các em đi làm thêm ngoài giờ học, hoặc là lãnh những việc nhỏ nhặt về nhà làm để có tiền xài. Nếu không làm gì ra tiền thì phải nhịn xài, thế thôi. 

Phương cách này có một vài lợi điểm. Trước hết, nó dạy các em biết giá trị đồng tiền và cho các em thấy kiếm được đồng tiền không phải là dễ. Phương cách này cũng đỡ cho cha mẹ gánh nặng phải lo thêm cho con những điều khác ngoài những nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Tuy nhiên, vì con em chúng ta còn nhỏ, chưa có khả năng đi làm cũng chưa biết một ngành nghề gì nên có đi làm cũng không được bao nhiêu tiền. Hơn nữa, vì phải đi làm thêm, việc học của các em có thể bị ảnh hưởng. Các em cũng phải hy sinh những giờ nghỉ ngơi chơi đùa sau giờ học ở trường, cũng không có thì giờ giúp đỡ cha mẹ những công việc trong gia đình. 

Nếu các em không thể làm gì để có thêm tiền và cha mẹ nhất định không cho con tiền để dùng vào những việc đặc biệt, các em có thể sẽ buồn cho hoàn cảnh của mình và sinh ra mặc cảm. Các em cũng có thể bị những thiệt thòi khác trong cuộc sống sau này. Chẳng hạn như vì khi còn nhỏ không được cha mẹ cho tiền đi mua sắm nên lớn lên nhút nhát, không biết mua sắm, khi đi mua dễ bị lường gạt. Các em cũng có thể không biết sử dụng đồng tiền hoặc không biết quản lý tiền bạc. Có người vì lúc nhỏ cần tiền mà không có, lớn lên đâm ra mê tiền, quyết tâm làm kiếm nhiều tiền để tiêu xài cho thỏa thích. 
Minh Nguyên 
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành