Trong quyển sách tựa đề Đối Thoại, Chìa Khóa cho Hôn Nhân, Tiến sĩ Norman Wright nêu ra mười nguyên tắc chúng ta cần áp dụng khi vợ chồng có chuyện bất hòa với nhau. Những nguyên tắc đó gồm có:
1. Đừng tránh né bất hòa bằng sự im lặng.
2. Đừng chất chứa buồn giận trong lòng.
3. Chọn thì giờ và nơi thuận tiện để nói lên nan đề.
4. Mổ xẻ vấn đề hai người bất đồng ý kiến, đừng mổ xẻ nhau.
5. Chia xẻ ý kiến và cảm xúc cách bình tĩnh, đừng trút cơn giận lên nhau.
6. Tập trung vào vấn đề cần bàn thảo, đừng nói qua những chuyện khác.
7. Nếu nói người kia sai, phải cho biết thế nào là đúng.
8. Tránh lên án nhau hay nói những lời làm tổn thương cho nhau.
9. Đừng dựa vào khuyết điểm hay lầm lỗi để chế nhạo nhau.
10. Nếu biết mình sai hãy xin lỗi; nếu đúng, đừng nói gì cả.
Trong các bài trước chúng tôi đã trình bày bốn nguyên tắc đầu tiên nên hôm nay sẽ nói những nguyên tắc kế tiếp.
5. Chia xẻ ý kiến và cảm xúc cách bình tĩnh, đừng trút cơn giận lên nhau
Khi hai vợ chồng bằng lòng ngồi lại nói chuyện để giải quyết bất đồng ý kiến, chúng ta nên kềm chế cảm xúc của mình. Hãy nói với nhau cách ôn hòa, bình tĩnh, đừng trút phiền giận lên nhau khiến người kia lo sợ hoặc nổi giận theo. Các bà các cô khi buồn giận thì thường khóc lóc, than thở, khiến các ông lo lắng bối rối, không biết phải làm gì. Các ông thì không than van khóc lóc nhưng lại hay quát tháo ầm ĩ khiến vợ con hoảng sợ. Có người đem những đau ốm hay yếu đuối của mình ra kể lể để người kia thương mà chiều theo ý mình. Có bà vợ kia, mỗi khi chồng không đồng ý với bà về chuyện con cái thì bà nói: Ông muốn vậy thì tôi cũng phải chịu thôi. Chuyện con cái làm tôi mất ngủ triền miên, không chừng tôi bị cao máu, đau tim rồi chết lúc nào không hay. Có người nói đến những thiệt thòi, bất hạnh hay những thất bại của mình để người kia thương mà chiều theo ý mình. Những người khác thì khi vợ hay chồng không đồng ý những chuyện quan trọng thì dọa chết để người kia không dám làm trái ý mình. Đây là những điều chúng ta cần tránh. Chúng ta không nên dùng những chiến thuật này nọ, lung lạc tinh thần người bạn đời để người đó phải làm theo ý mình. Chúng ta cũng nên tránh thổi phồng vấn đề hay bi thảm hóa hoàn cảnh để ý kiến của mình được chấp nhận. Khi chúng ta đối diện bất hòa cách bình tĩnh, ôn hòa và khôn ngoan, vợ chồng mới có thể sáng suốt, bình tĩnh phân tích nan đề, trao đổi với nhau cách cởi mở, nhờ đó mới đi đến một giải pháp tốt đẹp. Kinh Thánh dạy: Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trên thịnh nộ thêm (Châm Ngôn 15:1). Sứ đồ Gia-cơ thì khuyên: Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận (Gia-cơ 1:19). Khi bàn thảo về những bất đồng ý kiến mà cả hai vợ chồng đều mau nghe, chậm nói, chậm giận thì vấn đề chắc hẳn sẽ được giải quyết.
6. Tập trung vào vấn đề cần bàn thảo, đừng nói qua chuyện khác
Khi vợ chồng có thì giờ để bàn thảo chuyện bất hòa giữa hai người, chúng ta chỉ nói đến vấn đề cần nói, đừng đem chuyện cũ ra hay nói qua những chuyện khác. Những chuyện xảy ra trong quá khứ, dù là lỗi của ai, chúng ta cũng không nên nhắc lại. Nhắc lại chuyện cũ chỉ khiến vợ chồng giận nhau và bất hòa trở thành to lớn hơn. Nhiều người không sao bỏ được tính này. Mỗi khi vợ chồng có điều bất hòa thì lại đem chuyện cũ hằng mấy chục năm trước ra nói. Có hai vợ chồng kia lấy nhau đã hơn hai mươi năm. Mỗi lần giận chồng, bà vợ lại nhắc những vụng về sai sót của chồng trong những ngày đầu mới về chung sống. Ông chồng rất bực mình về cái bệnh hay nhắc lại lỗi lầm cũ của vợ. Mỗi khi nghe đến là ông quát lên rồi bỏ đi, không nói chuyện với vợ suốt cả mấy ngày. Vì lý do đó, hai vợ chồng này ít khi nào giải quyết những bất đồng ý kiến giữa hai người cách tốt đẹp. Những người mới lập gia đình thì không có chuyện cũ của nhiều năm trước nhưng có thể khi nói chuyện này một người lại nhớ đến chuyện khác và muốn nhắc lại để phàn nàn thêm. Nếu chúng ta không tập trung vào vấn đề đang cần giải quyết mà cứ nói chuyện cũ hay lảng sang chuyện khác, sẽ không giải quyết được bất hòa mà còn có thể phiền giận nhau nhiều hơn. Chúng ta cần thực hành nguyên tắc sứ đồ Phao-lô áp dụng cho chính ông: Quên đi những chuyện đã qua mà đuổi theo những điều trước mặt. Chúng ta cũng cần quên đi chuyện cũ, tin tưởng thiện chí của nhau khi ngồi lại giải quyết bất hòa thì mới có kết quả.
7. Nếu bảo ý kiến của người phối ngẫu là sai, phải cho biết thế nào là đúng
Nói như thế có nghĩa là, khi phê phán việc làm hay ý kiến của người bạn đời, chúng ta phải phê phán với tinh thần xây dựng. Nếu bảo người đó làm hay nói điều gì không đúng, chúng ta phải cho biết là làm hay nói như thế nào mới là đúng. Nhiều người khi vợ hay chồng đưa ý nào ra cũng bảo là không đúng, không thích hoặc không đồng ý nhưng không cho biết mình muốn gì, hay muốn như thế nào. Có bà vợ kia không đồng ý cho chồng trở về Việt Nam thăm gia đình nhưng nhất định không cho biết lý do. Trong khi đó một ông chồng nọ không muốn vợ đi học thêm nhưng khi vợ hỏi lý do tại sao, ông chỉ nói: Em phải tự biết. Cũng thế, nếu các ông nói vợ xài tiền nhiều quá thì phải cho biết thế nào là vừa phải hoặc nên mua sắm như thế nào, bớt đi những chi tiêu nào. Nếu các bà nói chồng lười biếng, không giúp đỡ việc nhà thì nên cho chồng biết những việc chồng phải làm hay những điều nào các bà muốn chồng giúp. Nếu trách nhau trong cách cư xử và lời nói, chẳng hạn như người này nói người kia không tử tế, không yêu thương thì phải cho biết nói năng cư xử như thế nào là tử tế yêu thương.
Có ông chồng kia, cứ vài ngày lại giận, không nói chuyện với vợ. Bà vợ biết chồng giận nên hỏi ông giận gì? Người chồng nói, em là vợ anh, em phải biết tại sao anh giận. Bà vợ suy nghĩ hoài không sao đoán ra được. Bà cố nghĩ lại xem mình đã làm gì sai quấy, hay nói điều gì không đúng khiến cho chồng giận nhưng không nghĩ ra một lý do nào. Cuối cùng, người vợ quá buồn nên khóc và năn nỉ, người chồng mới nói rằng, ông giận vì cách bà nói năng với ông, làm ông cảm thấy bị chê là ngu dốt, làm gì cũng sai hỏng. Thật ra người vợ này không có ý chê chồng nhưng vì ông chồng quá mặc cảm nên lúc nào cũng nghĩ là vợ chê mình. Khi còn nhỏ người chồng thường bị cha mẹ chê là ngu dốt, chẳng được tích sự gì, vì thế ông mang nhiều mặc cảm, khi người nào sửa sai hay góp ý, ông nghĩ là người đó chê mình.
8. Tránh lên án hay nói những lời gây tổn thương cho nhau
Khi vợ chồng ngồi lại để giải quyết bất hòa giữa hai người, chúng ta cần tránh lên án hoặc đổ lỗi cho nhau. Chúng ta cũng không nên nói những lời khiếm nhã, chạm đến danh dự hay tự ái của người phối ngẫu. Có những vợ chồng khi giận thì nói với nhau bằng những ngôn từ tục tĩu, thô lỗ, cộc cằn. Đây là điều chúng ta cần phải tránh. Theo Lời Chúa dạy, vợ chồng không những là bạn đời của nhau nhưng cũng là anh chị em trong Chúa. Người tin Chúa không được nói nặng lời hay nguyền rủa nhau. Sứ đồ Gia-cơ cho biết lý do như sau. Ông viết: Bởi cái lưỡi, chúng ta ca ngợi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Cùng một cái miệng mà ra cả khen ngợi và rủa sả! Hỡi anh em, không nên như vậy (Gia-cơ 3:9, 10). Khi giận người ta dễ tuôn ra những lời mắng mỏ nặng nề, tục tĩu, ngay cả với người thân yêu. Người tin Chúa phải tránh điều này. Khi tin nhận Chúa Giê-xu làm Chủ cuộc đời, chúng ta được Chúa tái tạo thành một người mới, là người đã loại bỏ những điều xấu xa trong đời sống cũ. Sứ đồ Phao-lô khuyên: Bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là thịnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tĩu nào ra từ miệng anh em (Cô-lô-se 3:8). Chúng ta cũng cần tránh nói những lời quá đáng, không đúng sự thật, làm tổn thương hay chạm tự ái của nhau. Vợ chồng cần tránh nói với nhau những câu quá mạnh như: Anh không bao giờ... hoặc: Em lúc nào cũng... . Hoặc Trên đời này không có ai tệ như em, Không có ai ác như anh, v.v... Đây là những lời quá đáng, không đúng sự thật; chỉ đem lại phiền giận chứ không giúp vợ chồng làm hòa với nhau. Trên hết, chúng ta cần áp dụng nguyên tắc căn bản Kinh Thánh dạy về quan hệ vợ chồng, đó là: "Chồng phải yêu vợ như yêu chính mình còn vợ thì phải kính chồng" (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành