Đời sống tình yêu đôi lứa - LIỆU KẾ HOẠCH ĐÓ CÓ CÒN KẾT QUẢ KHÔNG?

Năm vừa qua, có hơn một triệu vụ ly hôn xảy ra tại Mỹ. Khoảng 75% hộ gia đình Mỹ đến một lúc nào đó sẽ phải cần sự giúp đỡ hòa giải.
Ít nhất là 40% các cặp vợ chồng mới cưới sẽ phải ly dị.
Liệu có phải những dự kiến này dựa trên số liệu thống kê năm ngoái có ý nói rằng hoạch định của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân không còn hiệu nghiệm nữa chăng? Chúng ta vừa mới công nhận mạng lệnh hôn nhân trong Sa 2:24  với tất cả sự khôn ngoan tuyệt vời của nó, nhưng chúng ta có thể chỉ ra cách chính xác rằng hôn nhân đó đã được ban hành trong một thế giới nguyên thủy hoàn toàn cho những con người vô tội chưa từng nếm trái cấm.
Liệu kiểu mẫu hôn nhân kia có thực sự kết quả bên ngoài vườn Êđen không?  Hay Đức Chúa Trời phải quan tâm việc các sự vật đã thay đổi như thế nào kể từ lúc đó?  Hay là cuối cùng Ngài phải hiệu đính lại chương trình dành cho hôn nhân để phù hợp với những điều kiện của thời thế bây giờ?
Quan điểm này thường được người ta đưa ra để biện minh cho việc ly dị. Sau đây là nội dung một lá thư được gởi đến cho tổng biên tập một tờ báo Cơ đốc:
Tất cả vì nông nổi mà tôi đã  chọn lầm người đàn ông, có phải vì thế mà chúng tôi phải ở với nhau để làm điều đó trở nên “đúng đắn” không?. Chúng tôi đã cầu nguyện bốn năm liền xin Chúa cho cảm giác của chúng tôi khi ở bên nhau được thay đổi, cho cuộc hôn nhân của chúng tôi thay đổi. Chúng tôi đi gặp nhiều nhà tư vấn và đi đến với các nhóm học về Hôn nhân Gia đình – Nhưng chúng tôi vẫn thấy chán ghét nhau ngày càng hơn .  Sau 5 năm chung sống, chúng tôi quyết định ly dị để khỏi phải làm tan nát lòng nhau. Điều đó ít gây tai hại hơn cho cả hai chúng tôi, mỗi quyết định đều làm chúng tôi đau khổ. Nhờ  thái độ của Hội thánh mà tôi cảm biết mình có tội, nhưng tôi cũng cảm thấy rằng Đức Chúa Trời hiểu tôi mà...
Một phụ nữ nói với tôi tại buổi họp về chuyên đề về Hôn nhân Cơ Đốc : “Dù sao Đức Chúa Trời cũng ban cho tôi một khối óc. Nếu tôi thấy mình sai lầm khi cưới người không phù hợp với mình, thì ly dị là giải pháp tốt nhất.”
Rõ ràng là bà này cũng cảm thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ hiểu cho những cố gắng của bà để giải thoát cả hai khỏi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc bằng cách xóa bỏ hoàn toàn - cũng giống như  sửa lỗi trên tờ giấy thi bằng cách tẩy xóa rất  gọn.
Chúng ta cần phải đối diện vấn đề này một cách trực tiếp. Có phải Đức Chúa Trời vẫn còn mong những người đang sống trong thế giới đầy tội lỗi này thực hiện mạng lệnh hôn nhân được ban hành trong môi trường hoàn hảo của vườn địa đàng không?
Đức Chúa Jêsus Christ đã trả lời câu hỏi này. Trong Mac 10:2-12 mà chúng ta sẽ trích dẫn sau và trong Mat 19:3-12, Chúa Jêsus truyền dạy quan điểm thiên thượng về hôn nhân. Khi bạn đọc lời Ngài bạn sẽ tìm thấy chân lý trong sạch vẫn không bị lu mờ bởi sự cứng cỏi của tấm lòng con người.
“Các người Pharisi bèn đến gần hỏi để thử Ngài rằng: người nam có phép để vợ mình chăng? Ngài trả lời rằng: vậy chớ Môise dạy các ngươi điều chi?  Họ thưa rằng: Môise có cho phép viết tờ để và cho phép để vợ. Đức Chúa Jêsus phán rằng: ấy vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi nên người đã truyền mạng này cho. Nhưng từ lúc đầu sáng thế, Đức Chúa Trời làm ra một người nam và một người nữ. Vì cớ đó, người nam lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ, và cả hai người cũng nên một thịt mà thôi. Như thế, vợ chồng chẳng phải là hai nữa, mà chỉ là một thịt. Vậy, người ta không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp.
Khi ở trong nhà, môn đồ lại hỏi Ngài về việc ấy. Ngài phán rằng: Ai để vợ mình mà cưới vợ khác, thì phạm tội tà dâm với người, còn nếu người đàn bà bỏ chồng mình mà lấy chồng khác thì cũng phạm tội tà dâm” (Mac 10:2-12)
Các người Pharisi đã đến với Chúa Jêsus, nhằm để lôi kéo Ngài vào cuộc tranh luận đầy sóng gió chung quanh vấn đề ly dị. Thời đó, những học sinh của ba trường giải luật Do thái khác nhau đều tranh cãi về vấn đề có chấp nhận ly dị hay không? Cuộc tranh luận xoay quanh Phục truyền 24 trong đó Môise ấn định luật về sự để vợ bằng cách giới hạn nguyên nhân gây ra sự vi phạm cấm kỵ hay sai lầm nghiêm trọng. Một bản nghiên cứu Cựu ước nói rằng về mặt pháp lý, hành động ngoại tình không được chấp nhận cho ly dị (Dan 5:11-31, đưa ra những chỉ dẫn quan trọng liên quan đến sự ngoại tình). “Sự ô uế”, “Sự lõa lồ” hay “Sự bất chính” mà Môise đưa ra như là lý do duy nhất để hợïp pháp chuyện ly dị thường ám chỉ đến “sự loạn luân” “điếm đàng”, “thói quan hệ tình dục bừa bãi”. Trong Tân ước, Đức Chúa Jêsus gọi sự không trong sạch này là “thông dâm”. Chúng ta phải chú ý rằng ngoại tình và thông dâm là những từ được dùng cách rõ ràng và riêng biệt trong Tân ước, để nếu Chúa Jêsus có ý muốn nói rằng “ngoại tình” là cơ sở cho sự ly dị, thì Ngài sẽ gọi nó là “ngoại tình”. Nhưng Ngài đã nói rằng “Nếu ai để vợ mình, không phải vì cớ thông dâm, mà cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm. Và ai cưới người bị để thì phạm tội ngoại tình” (Mat 19:9).
Như vậy là cách những người Do thái thời Chúa Jêsus đã suy luận sai câu nói của Môise về sự để vợ. Những người theo Shammai cho rằng bất cứ hành vi ngoại tình nào cũng là một sự không tinh sạch mà Môise đề cập đến. Những người theo Hillel định nghĩa sự không tinh sạch theo nghĩa rộng nhất. Người vợ có thể làm khét nồi canh. Đó là sự không tinh sạch. Bà ấy có thế nói quá lớn to tiếng ở trong nhà. Đó là sự không tinh sạch. Người phụ nữ có thể xuất hiện trước công chúng mà không trùm đầu. Ngoài ra sự không tinh sạch còn do nơi người chồng có kết điều đó là tội hay không. Điều này có nghĩa là nếu người vợ phạm bất cứ một tội nhỏ nào thì cũng có thể bị người chồng ly dị. Những tín đồ của vị rabbi tên Akiba tuyên bố thẳng thừng rằng nếu một người vợ không được chồng mình thương xót một chút nào cả là không sạch và có thể bị đuổi đi – Một sự cho phép mù quáng về ly dị.
Hãy chú ý rằng người Pharisi đã đi một bước xa hơn và không đếm xỉa đến điều ngoại lệ mà Môise đã nói cùng với sự để vợ. Khi họ chất vấn Chúa Jêsus: “không cứ vì cớ gì người ta có phép để vợ mình chăng?” (Mat 19:3). Họ nói rằng: “Người nam có phép để vợ mình chăng?” (Mac 10:2)
Cách mà Chúa Jêsus đáp lời cùng với những người Pharisi chỉ cho chính chúng ta thái độ nào cần phải có đối với hôn nhân và ly dị, đó là:
1) Ngài không đếm xỉa đến sự cãi nhau vặt với thẩm quyền “tôn giáo” thời đó và sự thắc mắc của họ về sự ly dị.
2) Ngài tập trung vào Kinh thánh như là thẩm quyền chân thật duy nhất.
3) Ngài trở lại kiểu mẫu hôn nhân nguyên thủy trong Sáng thế ký như là chủ đề xác đáng nhất để thảo luận. Mathiơ kể lại rằng Chúa Jêsus trước tiên trả lời họ như  thế này: “Các ngươi há chưa đọc Sa 1:272:24 sao mà các ngươi lại luôn khoe khoang rằng mình biết Thánh kinh?” Hay là Ngài trả lời họ như thế này:”Tại sao các ngươi không trở lại với sự dạy dỗ căn bản để tìm câu trả lời?”
Rò ràng Chúa Jêsus đánh giá hai câu Kinh thánh trong Sáng thế ký như là mạng lịnh Thiên thượng dành cho Hôn nhân - chữ đầu tiên và chữ cuối cùng có ảnh hưởng rất lớn ngay cả trong một thế gian đầy tội lỗi này. Chúa Jêsus giải thích rằng sự nhượng bộ Luật pháp bởi Môise trong Phu 24:1 tất nhiên không phải là vấn đề tranh cãi cho bất kỳ người nào muốn hiểu được chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân. “Ngài phán rằng: vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môise cho phép để vợ nhưng lúc ban đầu không có như vậy đâu” (Mat 19:8).
Lúc ban đầu không có như vậy đâu! Với những lời này, Chúa Jêsus chỉ cho chúng ta trở về lúc ban đầu và tại đó chúng ta sẽ tìm thấy những lời khuyên về hôn nhân và những tiêu chuẩn mà chúng ta cần phải tuân giữ. Chúng ta hãy xem xét cách cẩn thận một câu nói mà con Đức Chúa Trời đã thêm vào mạng lịnh của Sáng thế ký: “Vậy loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!” (19:6  Mac 10:9).
Điều này bổ sung cho ba dữ kiện quan trọng và kiến thức nền tảng của chúng ta về hôn nhân.
1. Chính Đức Chúa Trời đã phối hiệp người vợ và người chồng với nhau. Người nam và người nữ  tự mình lựa chọn để đi đến hôn nhân với nhau, nhưng khi họ làm như vậy, Đức Chúa Trời buộc họ vào nhau, biến “hai” thành “một”
2. Từ  quan điểm Thiên thượng trên, hôn nhân là sự kết hợp bền vững và trường tồn mà tất cả những sự cám dỗ trên đất này đều không thể phá vỡ được. Làm sao một tờ giấy có thể thay đổi những gì mà chính Đức Chúa Trời đã làm? Chỉ có sự chết mới có thể chia lìa hai người được phối hiệp trong hôn nhân.
3. Bất cứ cá nhân nào tìm cách chia lìa điều mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp thì đó là một hành động thách thức ngạo mạn đi ngược lại ý chí của Đức Chúa Trời. Bất cứ ai chọn làm như vậy đều phải sống với hậu quả của hành động mình.
Tóm lại Chúa Jêsus bảo những người tranh luận với Ngài về sựï ly dị rằng nhận định của họ sai lầm hoàn toàn. Quan điểm chân thật dưới con mắt của Đức Chúa Trời lúc đó và ngày nay là sự trường tồn của hôn nhân và mỗi chúng ta phải trân trọng điều đó.
Nếu ai bác bỏ những kết luận này và thật lòng cho rằng điều đó đã lỗi thời với thời đại ngày nay, tôi chỉ có thể trích dẫn những lời của Đức Chúa Jêsus Christ: “Vì giữa dòng dõi gian dâm, tội lỗi này, hễ ai hổ thẹn về ta và đạo ta, thì Con Người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các Thiên sứ Thánh” (8:38).
Nào, sự dạy dỗ về ly dị này liên hệ như thế nào với trường hợp của bạn? Nếu bạn đang cố gắng xây dựng một mối quan hệ yêu thương trong hôn nhân của mình, hay nếu bạn đang cố gắng giải quyết những nan đề trong hôn nhân, hoặc ngay cả khi bạn đang cho phép việc ly dị ảnh hưởng đến những nỗ lực của bạn theo chiều hướng có hại. Việc lưu giữ những ý nghĩ ly dị trong ngôn từ xúc cảm của mình, ngay cả là quyền lực chọn từ bỏ - sẽ cản trở tất cả những nỗ lực mà bạn dành cho hôn nhân của mình. Nó sẽ ngấm ngầm phá hoại những cố gắng của bạn để cải tiến mối quan hệ hôn nhân của mình và tình huống không hạnh phúc có thể tiếp tục diễn ra không hạn định. Việc tiếp tục ly dị như là một lối thoát chỉ ra sai lầm của bạn trong sự cam kết của hai người với nhau, ngay cả một vết thương nhỏ xíu cũng có thể bị hổng to cách đáng sợ bởi nhiều thế lực đang hành động để phá hoại các gia đình.
Số liệu thống kê đáng buồn đã được nêu ra ở đầu chương này là bởi sự nỗ lực không ngừng của Satan để phá hoại gia đình, một tổ chức quan trọng nhất trên trái đất này. Họ có thể bị dẫn dụ theo ý niệm phổ biến kia là nếu hôn nhân không có kết quả thì cần phải chuyện ly dị và một nỗ lục khác được thực hiện với một người bạn đời mới - như chúng ta đã thấy, một tư tưởng hoàn toàn đi ngược với Thánh kinh đã được thăng tiến bởi hệ thống trần gian dưới ảnh hưởng của Satan.
 Một nguyên nhân sâu xa nữa là sự không hòa hợp đã xuất hiện và chúng ta cần phải nhận biết điều đó và nỗ lục xây dựng một quan hệ tình yêu chân thực. Tôi đề nghị rằng bạn nên suy gẫm kỹ càng Sáng thế ký 3 trong đó mô tả sự thất bại của người nam và người nữ trong việc vâng lời Đức Chúa Trời khi sống trong điều kiện môi trường lý tưởng: họ đã rơi từ tình trạng vô tội sang tội lỗi và sự chết lời hứa của Đức Chúa Trời về sự Cứu chuộc và Ngài đuổi hai người ra khỏi vườn Êđen để sống một cuộc sống đạo đức và có trách nhiệm trong những điều kiện mới và khó khăn.
Bạn sẽ tìm thấy trong chương 3 của Sáng thế ký nguồn gốc của tội lỗi và sự hổ thẹn, sự ích kỷ và sự tự cho mình là trung tâm và sự ngăn cách - tất cả những tật xấu đó làm hỏng đi tình yêu tuyệt vời và sự hiệp một mà Ađam và Êva đã từng tận hưởng.
Thế thì, theo một nghĩa nào đó mỗi cặp vợ chồng mặc quần áo kết bằng lá vả và núp sau những cây mà do chính mình trồng! Chúng ta đều có khuynh hướng lìa bỏ nhau, xa rời nhau, thu hút sự tập trung vào những nhu cầu và ước muốn của chính mình, để sống vì chính mình, đổ lỗi cho những người thân cận nhất của mình để bảo vệ hay biện hộ cho chính mình, và làm những điều không đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Tội lỗi tạo ra sự ham muốn làm điều sai trái, không phải để chia xẻ và thông công, nhưng để phục vụ cho bản chất tiêu cực và ích kỷ của con người. Tất nhiên Satan vui mừng khuyến khích khuynh hướng này. Hãy nhớ rằng tội lỗi đầu tiên đến thế gian trong hôn nhân đầu tiên, và trong chính gia đình đầu tiên đó, sự chia rẽ và căm hờn xuất hiện. Đó là nơi mà ma qủi bắt đầu những công việc chết người, và đây là lý do mà bạn sẽ không bao giờ có một hôn nhân hạnh phúc và bền vững và một cuộc sống gia đình hòa thuận theo lẽ thường tình.
Sự ích kỷ cá nhân dẫn đến sự chia rẽ giữa người chồng và người vợ có thể chứng minh cho chúng ta và thường được trình diễn trên truyền hình. Ví dụ như mẫu đối thoại này giữa người chồng và người vợ đã xuất hiện trên bộ phim truyền hình gia đình.
Một người chồng trẻ hớn hở trở về nhà với tin là anh ta có một cơ hội lớn để tiến xa hơn trong nghề bóng chày chuyên nghiệp ở Puerto Rico trong vài tháng. Anh ta rất hồi hộp với việc dắt vợ mình theo.
Người vợ trẻ hỏi cách lạnh lùng: “Tại sao em phải đến Puerto Rico?”
Người chồng (không thể tin được những điều này) lắp bắp: “Nhưng ... nhưng ... Susan ơi, em là vợ của anh mà!”
Susan trả lời cách tức giận: “Vâng, nhưng tôi cũng là một CON NGƯỜI, VÀ TÔI CÓ CUỘC SỐNG CỦA RIÊNG TÔI !”
Sự phân rẽ dần dần và đều đặn thường ảnh hưởng đến những cuộc hôn nhân mà người ta bắt đầu biến nó thành sở thích. Có nhiều người rất buồn khi đọc tờ báo nói về một ngôi sao Thế vận hội trở nên một người bình thường sau chiến thắng vẻ vang của anh ta. Anh và vợ đã được những người khác hâm mộ vì những nỗ lực liên tục của cả hai để cùng nhau đạt được mục đích đó đã nhiều năm rồi.
Hiệp hội báo chí Associated Press cho biết rằng người trai trẻ đó và vợ đã chính thức chia tay nhau sau 7 năm chung sống bởi vì theo như lời của người phát ngôn của họ: “Cả hai cảm thấy rằng cuộc sống của họ đã thay đổi trong năm ngoái và mỗi người đều muốn tập trung vào chính đời sống riêng của mình”.  Hy vọng là cuộc hôn nhân này còn có thể cứu vãn được, nhưng hãy chú ý đến những lý do của việc họ chia tay: đó là mỗi người có thể tập trung vào chính đời sống của mình! Thế là chúng ta lại thấy được những hậu quả của Sáng thế ký 3.
Trong chương 2, tôi đã kể cho các bạn về Dean và Carol, một đôi vợ chồng Cơ Đốc  đã cam chịu đủ mọi sự tấn công dữ dội vào chính hôn nhân của họ, phía trong lẫn phía ngoài. Những áp lực đè nặng trên họ rất lớn. Chúng ta hãy phân tích một số áp lực đó và quan sát xem cách một tội lỗi kéo theo một tội lỗi khác như thế nào. Trong mỗi trường hợp đều không có sự hiểu biết hay thiếu sự ứng dụng những nguyên tắc của Thánh kinh để giúp đỡ và chữa lành những tình huống như thế.
1/ Trước hết, họ đã thất bại trong việc gắn bó với nhau trong suốt những năm thờ ơ mối quan hệ yêu thương của họ. Một cuộc tình giữa người chồng và người vợ phải được tiếp tục điều chỉnh và luôn luôn tăng trưởng.
2/ Điều này đã gây ra một khoảng trống tình cảm khiến cho người phụ nữ khác vui mừng thế vào, hy vọng chia rẽ Dean và vợ ông để cho bà có thể lấy Dean.
3/ Tội ngoại tình kế tiếp của Dean đã tấn công mối quan hệ một thịt của họ.
4/ Carol đã sai lầm khi đem chuyện hôn nhân của mình kể cho một người bạn mà người này lại luôn luôn chỉ trích Dean, làm cho bản thân Carol cảm thấy xa cách chồng mình.
5/ Người bạn này cũng đưa ra những lời khuyên phi Kinh thánh nhấn mạnh rằng cần phải ly dị khi chồng ngoại tình.
6/ Sự rút lui về thể xác lẫn tình cảm của Carol khỏi chồng trong lúc này đã gây nên sự chia rẽ sâu xa hơn giữa họ và dọn mâm sẵn cho người đàn bà khác tiếp tục theo đuổi Dean.
7/ Những lãnh đạo trong Hội thánh đã sai lầm trong việc khuyên giải Dean cách thích đáng liên quan đến sự tha thứ và phục hồi tâm linh của Dean sau khi ông đã xưng nhận tội lỗi mình trước Ban trị sự.
8/ Do đó, Dean bị mắc bẫy vào những mặc cảm tội lỗi mà chính chúng đã gây trở ngại cho ông khiến ông không thể nào phục hồi lại tình yêu và sự tin cậy trong gia đình của mình.
9/ Điều này cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng tâm linh của ông. Những mặc cảm tội lỗi sau khi xưng tội và ăn năn bắt nguồn từ Satan để cản trở sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta.
10/ Cũng dễ hiểu thôi, Dean cảm thấy hình như ai cũng biết chuyện của mình và cảm thấy ngượng ngùng với những người trong Hội thánh đang đồn đại và phê bình ông. Ông bắt đầu xa rời những buổi nhóm.
11/ Một số bậc lãnh đạo Hội thánh đã phạm lỗi lầm khi tiên đoán sự ly dị là điều không thể nào tránh khỏi cho gia đình họ. Điều này làm cho Carol thêm bối rối khi bà cần được nghe lời khuyên từ lời của Đức Chúa Trời để chỉ cho bà cách giải quyết nan đề ấy theo đúng Kinh thánh.
12. Bởi vì Carol đã không tha thứ được cho chồng mình và bỏ lại quá khứ sau lưng theo những nguyên tắc của Thánh kinh, và cả hai hầu như trở nên tuyệt vọng khi vướng phải nan đề mà không thể mau chóng giải quyết được với sự khuyên răn đúng đắn.
13. Tất cả những yếu tố này, với nỗi đau tình cảm và sự bối rối đã thúc giục Dean tìm lối thoát là phải đi xa, cố cách ly với vợ mình để quyết định cho đúng đắn rằng họ có còn yêu nhau không. Sự xa cách ít khi cải tạo một hôn nhân không hạnh phúc và không ai nghĩ là nó có thể chứng tỏ điều gì về tình yêu. Sự hòa hợp trong hôn nhân là đúng với Kinh thánh. Sự chia rẽ là thuộc về Satan. Điều này có thể giống như sự quá đơn giản hóa nhưng hoàn toàn phù hợp với Kinh thánh về hôn nhân. Tôi hy vọng bạn sẽ ghi nhớ điều này như là một luật lệ phải được tuân hành trong những tình huống nghi ngờ.
Cả Dean và Carol nhận biết rằng những tình cảm đã dẫn họ đi lạc lối, rằng họ không thể để cho tình cảm hướng dẫn mình được.
Quay về bất kỳ phía nào, hầu như họ chỉ nghe từ  “ly dị”. Tất cả  áp lực đè nặng trên họ gây ra sự chia rẽ hơn là sự hiệp một. Nhưng khi họ khám phá những nguyên tắc nền tảng về hôn nhân của Thánh kinh - rằng trước mặt Chúa, người vợ và người chồng là một và phải luôn là một. Họ có thể phục hồi lại mối quan hệ yêu thương và xây dựng lại gia đình mình. Ngày nay, họ có rất nhiều cơ hội để chăm sóc, nâng đỡ những đôi vợ chồng khác đang gặp những hoàn cảnh tương tự.
Các bạn thấy đấy, chúng ta có thể khám phá được vườn địa đàng trong hôn nhân, theo Tân ước. Chúng ta có thể, đến một chừng mực nào đó, trở về điểm lý tưởng trong hôn nhân của chúng ta và chúng ta phải làm điều đó nếu chúng ta muốn hôn nhân của mình được tràn ngập trong hạnh phúc và tình yêu. Mặc dầu khuynh hướng sống ích kỷ luôn luôn tồn tại do sự Sa ngã của loài người, nhưng chúng ta có thể phục hồi lại tình yêu của bản thân dành cho người bạn đời, sự hòa hợp, sự tự do thỏa lòng trong đời sống vợ chồng mà Ađam và Êva đã từng kinh nghiệm được. Nhờ quyền năng của Đức Chúa Jêsus Christ, các Cơ Đốc nhân chẳng những có mẫu hình hôn nhân lý tưởng mà còn có mục đích để hoàn thành và năng quyền để thực hiện điều đó nữa.
Trước đây chúng ta đã đặt ra câu hỏi: Đức Chúa Trời có phải hiệu đính lại chương trình của Ngài dành cho hôn nhân để phù hợp với những điều kiện của thế giới dẫy đầy tội lỗi không? Chúng ta thấy đấy, câu trả lời là KHÔNG. Trái lại Ngài mong muốn chúng ta phải sửa đổi lại thái độ của mình để cho phù hợp với những tiêu chuẩn của Ngài dành cho hôn nhân để “chúng ta được tốt lành và hưởng phước”. Và Ngài biết rằng chúng ta có thể làm thế nhờ đời sống mới trong Chúa Jêsus Christ.
Tất nhiên là tôi đang viết cho bạn tại đúng vị trí của bạn bây giờ. Cho dù bạn đã phạm bất cứ tội lỗi nào trong lãnh vực hôn nhân và ly dị, hãy cầu xin sự tha thứ của Chúa và chấp nhận điều đó, hãy biết rằng bạn đã được giải phóng khỏi tội lỗi. Bây giờ Ngài luôn luôn gần gũi với chúng ta và bạn có nhiều cơ hội để tiến về phía trước trong một đường lối mới “quên lửng sự ở đằng sau mà bươn theo sự ở đằng trước” (Phi 3:13 NASB) với đôi mắt của bạn luôn chăm chú vào Chúa Jêsus và tâm trí bạn được tạo nên bởi Lời của Đức Chúa Trời, bạn có thế kiến tạo một đời sống mới cho chính bạn và người bạn đời của mình kể từ giây phút này.
Tôi tin rằng bạn sẽ đưa vào hôn nhân của mình một hướng giải quyết mới để vượt qua những ảnh hưởng bên ngoài khiến cho bạn cảm thấy bản thân xa cách với người bạn đời của mình, với một quyết định mới là bạn sẽ làm tất cả những gì mình có thể thiết lập mối quan hệ yêu thương theo chương trình của Đức Chúa Trời, và tôi cũng mong ước rằng bạn có thể cải tiến hôn nhân của mình và rập khuôn nó theo kiểu mẫu của hôn nhân trong vườn địa đàng ngày xưa.
Có  lần một người đàn ông đã nói như thế này:”Những lý tưởng cũng giống như các vì sao, chúng ta sẽ thất bại nếu muốn sờ đến nó bằng đôi tay, nhưng đi theo chúng như người thủy thủ ở trên biển cả, thì chúng ta sẽ đạt được mục đích của mình”.
Chúng ta sẽ không thành tựu được sự trọn vẹn trong hôn nhân của chúng ta, nhưng khi chúng ta làm theo cách mà Chúa đã dạy dỗ trong Sa 2:24, chúng ta sẽ khám phá được những điều kỳ thú lạ lùng mà Ngài đã hoạch định cho chúng ta, và chúng ta sẽ hoàn thành mục đích mà Ngài đặt trước chúng ta là bày tỏ tình yêu của Ngài cho thế giới đang thiếu tình yêu qua đời sống tình yêu của chính mỗi chúng ta.