Có hai vợ chồng kia cưới nhau được hơn năm năm. Từ ngày lấy nhau hai vợ chồng
chỉ đi xe cũ nên bây giờ cố gắng để dành tiền để mua xe mới. Sau một thời gian,
để dành được một ít tiền nên vợ chồng tính chuyện mua xe. Một ngày kia người chồng
rủ vợ đi coi xe để chọn và mua thì người vợ nói: Anh đi một mình đi, đó là chuyện
của mấy ông. Người chồng bèn đi một mình. Đến chỗ bán xe anh chọn được một chiếc
xe vừa ý, giá cũng vừa với số tiền vợ chồng anh có. Anh vui mừng gọi cho vợ biết
là đã chọn được xe, với giá tiền là chừng đó, và nhờ vợ đem tiền đến cho anh.
Khi người vợ gặp chồng ở chỗ bán xe thì chỉ đưa tiền chứ không hỏi mua xe gì,
màu gì, giá bao nhiêu. Nhưng tối hôm đó khi về đến nhà, người vợ nổi giận với
chồng, nói rằng chị muốn thử xem anh sẽ quyết định chuyện mua xe như thế nào,
không ngờ anh đã mua theo ý riêng chứ không hỏi ý vợ. Người vợ này muốn chồng hỏi
mình thích xe gì, màu gì và muốn mua một chiếc xe với giá thấp hơn số tiền hai
vợ chồng có. Người vợ muốn như thế nhưng không nói ra, chỉ yên lặng để thử xem
chồng quyết định như thế nào. Khi thấy chồng không làm như điều mình mong muốn,
người vợ buồn giận và hai vợ chồng to tiếng với nhau.
Trong Câu Chuyện Gia Đình hôm nay chúng tôi sẽ nói về một đề tài rất gần với đời
sống, đó là vấn đề bất hòa giữa vợ chồng. Những đôi bạn trẻ sắp cưới hoặc mới
cưới thường nghĩ rằng vợ chồng nào có nan đề chứ vợ chồng mình sẽ luôn luôn thuận
hòa, không bao giờ giận nhau hay cãi nhau. Đây là ý nghĩ tốt nhưng không thực tế
cho lắm. Người nào nghĩ rằng vợ chồng mình sẽ không bao giờ phiền giận hay bất
hòa với nhau, khi bất hòa xảy ra chúng ta sẽ ngỡ ngàng, thất vọng và lúng túng
không biết ứng xử như thế nào. Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng khi sống chung
với người khác, bất cứ là với ai, chúng ta sẽ khó tránh được những va chạm, buồn
phiền. Dù là cha mẹ với con cái, anh chị em ruột thịt hay vợ chồng với nhau, ít
ai có thể tránh được những lúc giận nhau hay làm buồn lòng nhau. Nhất là vợ chồng,
dù yêu thương nhau bao nhiêu cũng không tránh được những lúc bất hòa, cơm không
lành, canh không ngọt.
Bất hòa là gì mà chúng ta không thể tránh được? Các nhà tâm lý học định nghĩa bất
hòa như sau: Bất hòa hay xung đột là sự va chạm, chống nghịch hay bất đồng về sở
thích, ý kiến, quan điểm, cách xử sự, v.v... giữa hai cá nhân. Tại sao có bất
hòa giữa người này với người kia? Trước hết, vì chúng ta là con người bất toàn,
không thể tránh được những vấp váp làm phiền lòng nhau. Hơn nữa chúng ta là con
người tội lỗi và ích kỷ, thường cho mình quan trọng hơn người khác, ý của mình
hay hơn, đúng hơn ý của người khác. Bản tính ích kỷ và cái tôi trong mỗi người
là nguyên nhân đưa đến nan đề giữa ta với người chung quanh.
Lý do thứ hai khiến vợ chồng không tránh được bất đồng ý kiến là vì hai người
là hai cá thể riêng biệt, có những ước mơ, nhu cầu, tính tình, sở thích và ý kiến
khác nhau. Khi những điều này giữa vợ chồng không giống nhau hay trái ngược
nhau, bất hòa và xung đột có thể xảy ra. Không những thế, vợ và chồng được trưởng
dưỡng và lớn lên trong hai gia đình khác nhau, hấp thụ hai lối giáo dục khác
nhau; có những thói quen khác nhau trong cách ăn uống, làm việc, giải trí, cũng
như cách ứng xử trước những hoàn cảnh của đời sống. Khi lập gia đình, chúng ta
đem tất cả những khác biệt đó vào gia đình mới. Vì lý do đó mà sau ngày cưới một
thời gian, các đôi vợ chồng mới bắt đầu thấy mình và người yêu có nhiều điều
khác nhau. Những khác biệt đó có thể giúp vợ chồng bổ khuyết cho nhau nhưng
cũng có thể khiến vợ chồng phiền giận hoặc xung đột với nhau. Một lý do khác nữa
khiến vợ chồng dễ có bất đồng ý kiến là vì phải chia xẻ với nhau mọi điều trong
đời sống và ở bên cạnh nhau mỗi ngày, hết ngày này qua ngày khác. Sự gần gũi đó
khiến chúng ta có nhiều cơ hội bất hòa với nhau hơn là với những người khác.
Tuy nhiên, điều chúng ta cần nhớ là, vợ chồng bất hòa hay bất đồng ý kiến là
chuyện bình thường chứ không phải là nan đề. Nan đề là ở cách chúng ta phản ứng
trước những bất hòa hay bất đồng ý kiến. Vì thế, chúng ta cần biết cách ứng xử
như thế nào khi có bất đồng ý kiến, để vợ chồng hiểu nhau và yêu thương nhau
hơn chứ không vì đó mà phiền giận nhau hoặc đưa đến đổ vỡ.
Giữa vợ chồng thường có ba loại bất đồng ý kiến như sau:
1. Những bất đồng ý kiến không cần phải giải quyết. Chẳng hạn như những quan điểm
khác nhau về luật lệ trong cộng đồng, xã hội; những ý kiến khác nhau về thời tiết
hay cảnh đẹp trong thiên nhiên; về những tin tức trên báo chí, truyền thanh,
truyền hình. Đây là những điều không trực tiếp liên quan đến đời sống gia đình
hay quan hệ vợ chồng. Hai người có thể giữ những quan điểm khác nhau mà vẫn sống
trong hòa thuận.
2. Những bất đồng ý kiến cần tìm một sự thỏa thuận chung nhưng không phải tốn
nhiều thì giờ hay công sức. Đây là những điều quan hệ đến sinh hoạt hằng ngày của
gia đình, chẳng hạn như vợ muốn ăn cơm sớm, chồng muốn ăn trễ. Chồng thích ăn
thịt, vợ thích ăn rau; chồng muốn đi nghỉ hè nơi này, vợ muốn đi nơi khác; chồng
xài tiền rộng rãi, thoải mái, vợ tính toán kỹ lưỡng, v.v... Đây là những bất đồng
ý kiến cần tìm một sự hòa hợp chung. Trong các trường hợp này vợ chồng cần giải
thích ý kiến của mình và hai người nhường nhau một chút là vấn đề có thể được
giải quyết.
3. Những bất đồng ý kiến cần phải giải quyết đến nơi đến chốn, nếu không, có thể
đưa đến sứt mẻ tình cảm vợ chồng hoặc khiến hôn nhân đổ vỡ. Đây là những vấn đề
quan trọng, là căn bản cho hạnh phúc gia đình. Chẳng hạn như ý kiến về mục tiêu
cho cuộc đời, về những giá trị đạo đức, về thứ tự ưu tiên trong đời sống, về niềm
tin của mỗi người, cách dạy dỗ con cái, cách sử dùng tiền bạc, thì giờ; cách ứng
xử với gia đình đôi bên, v.v... Bất đồng ý kiến về những vấn đề này cần được vợ
chồng bàn thảo với nhau cách cởi mở để đi đến một quyết định chung, với sự đồng
ý của đôi bên, nếu không sẽ đưa đến những nan đề lớn hơn và sẽ ảnh hưởng đến hạnh
phúc gia đình.
Sau đây là phần góp ý với các bạn trẻ sắp lập gia đình. Các bạn cần dành thì giờ
trao đổi với nhau về những vấn đề quan trọng trong đời sống. Vấn đề niềm tin chẳng
hạn, vợ chồng cần phải có cùng một niềm tin. Những vấn đề khác các bạn cần trao
đổi với nhau như: cách sử dụng tiền bạc, thì giờ, cách đặt thứ tự ưu tiên trong
đời sống, quan hệ với cha mẹ, với bạn bè cũ. Chúng ta cần xét xem mình có những
ý kiến khác biệt nào không cần giải quyết vì không ảnh hưởng đến đời sống
chung. Những khác biệt nào có thể đi đến thỏa thuận cách dễ dàng, và quan trọng
hơn cả là cần biết giữa hai người có những bất đồng ý kiến nào quan trọng, cần
phải giải quyết đến nơi đến chốn để giữ sự hiệp nhất và củng cố hạnh phúc gia
đình. Chúng ta cần phân biệt rõ các loại bất đồng ý kiến này để không giận nhau
về những chuyện không chính đáng mà cũng không xem thường hay bỏ qua những chuyện
quan trọng. Nếu thấy giữa hai người có những vấn đề quan trọng chưa đồng ý với
nhau, chúng ta nên thành thật chia xẻ với nhau, lắng nghe quan điểm của nhau và
nhờ Chúa giải quyết vấn đề đó theo lời dạy của Kinh Thánh.
Sự xung đột hay bất hòa giữa vợ chồng cũng như giữa hai cá nhân thường xảy ra
theo tiến trình sau: Bắt đầu là hai người có những ý kiến khác nhau. Nếu không
ai nói ra sẽ không có bất đồng ý kiến, nhưng vì mỗi người nói ra ý của mình nên
có bất đồng ý kiến. Bước thứ nhì là mỗi người cố gắng trình bày, biện hộ để cho
thấy ý của mình là đúng, là phải. Nếu đến đây hai người tìm ra một giải pháp
chung thì sẽ không có xung đột, nhưng nếu không ai chấp nhận lời giải thích của
ai, sẽ có tranh cãi hay tranh luận. Đến đây giữa hai người bắt đầu có sự căng
thẳng vì mỗi người nhất định đứng trên quan điểm hay ý kiến của mình. Nếu không
tìm được một sự thỏa thuận nào nhưng tiếp tục bất đồng ý kiến với nhau, hai người
sẽ cảm thấy tức giận, không chỉ bênh vực ý của mình nhưng bắt đầu chỉ trích ý của
người kia. Vì không chấp nhận ý kiến của nhau, hai người sẽ đi đến chỗ không chấp
nhận nhau. Cuối cùng, nếu vấn đề không được giải quyết, vì hai người không dung
hòa mà cũng không nhường nhau, sự căng thẳng gia tăng, giữa hai người sẽ có sự
ngăn cách lớn lao. Đây là chỗ nguy hiểm trong mối quan hệ vợ chồng.
Để kết thúc, kính mời quý vị nghe Lời Kinh Thánh dạy như sau: Tại sao giữa anh
em có những xung đột, tranh chấp? Không phải là do dục vọng thôi thúc trong
lòng anh em sao? (Thư Gia-cơ 4:1). Theo Lời Kinh Thánh dạy, những ham muốn ích
kỷ trong lòng người chính là nguyên nhân gây ra những tranh giành, tranh chấp
giữa người này với người kia. Vì thế, chúng ta cần đến với Chúa Cứu Thế, mời
Ngài làm Chủ tấm lòng và cuộc đời chúng ta. Chúa sẽ giúp chúng ta bỏ đi cái tôi
xấu xa, bỏ đi con người cũ tội lỗi, với những tham muốn ích kỷ, Chúa sẽ giúp
chúng ta yêu thương và tôn trọng người khác để có thể sống trong hài hòa, hiệp
nhất với những người thân yêu trong gia đình chúng ta.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành