Những vấn đề của tuổi thiếu niên (P1)


Em Tú con của ông bà Hai mới 16 tuổi, em đang học lớp 10 ở một trường trung học gần nhà. Vì Tú là con trai duy nhất trong gia đình nên được cha mẹ cưng. Năm Tú lên 13 tuổi, sau giờ học ở trường cha mẹ không đón em đưa về nhà ông bà ngoại nữa nhưng để em đi bộ về nhà. Ông bà Hai thấy con đã lớn, có thể tự đi đến trường mỗi ngày nên cũng yên tâm đi làm. Nhưng ông bà không ngờ trong mấy năm gần đây, con ông bà đã thay đổi rất nhiều. Tuy là Tú tự lo được nhiều việc khiến cha mẹ không phải bận tâm nhưng em cũng bắt đầu học nơi bạn bè, sách báo và ti-vi nhiều điều mà cha mẹ không biết.

Càng lớn Tú càng ít trò chuyện với cha mẹ, cũng không đùa giỡn với hai đứa em gái như trước. Lúc nào em cũng ở trong phòng, hình như phải lo học hành nhiều lắm. Không những thế, khi ông bà Hai để ý thì thấy con mình lúc này có vẻ đăm chiêu, lo lắng; có lúc thì ngơ ngẩn như người mất hồn. Ông bà nghĩ có lẽ vì mới đổi trường, đổi lớp nên con còn ngại ngùng với bạn mới, thầy giáo cô giáo mới. Cũng có thể là vì bài vở nhiều, con lo học nhiều quá nên tâm trí bị chi phối, không muốn trò chuyện với ai.

Tuy nhiên, điều mà ông bà Hai không muốn nghĩ đến và cũng cố tự nhủ là không có, thì lại đúng là điều đang xảy ra. Đó là Tú đã có bạn gái. Thật ra việc Tú quen với mấy cô bạn trong trường cũng không có gì là lạ, vì tuổi thiếu niên là tuổi bắt đầu để ý người khác phái. Nhưng cha mẹ Tú sợ con vướng vào chuyện tình cảm rồi không lo học hành nên đã nhiều lần cảnh cáo Tú không được có bạn gái sớm. Ông Hai thường nói với con: Ba má đi làm cực khổ để nuôi con ăn học, cho nên con phải lo học hành cho đàng hoàng, không có được bắt chước bạn bè mà bồ bịch, trai gái... Chuyện đó chừng nào học hành đến nơi đến chốn rồi mới tính.

Vì lời căn dặn của cha, Tú giấu hết tất cả những chuyện tình cảm riêng tư của mình. Nhưng giấu cha mẹ không có nghĩa là Tú vâng lời cha mẹ và không vướng vào chuyện yêu đương. Tú không dám cho cha mẹ biết vì nếu cha mẹ biết, em sẽ bị la mắng, bị theo dõi và có thể có nhiều chuyện rầy rà khác.

Có lẽ quý vị cũng đang bận tâm lo lắng vì các con của quý vị còn quá nhỏ mà đã có bạn trai bạn gái. Không những thế, các em lúc nào cũng nghĩ đến người yêu, nói chuyện điện thoại với người yêu và có khi bỏ học để đi chơi với người yêu nữa. Chúng ta sợ con hư hỏng nhưng cũng không biết làm thế nào để khuyên bảo con. Nói nhẹ nhàng thì con khinh lờn, la mắng thì con giận, cấm đoán cũng không được. Nhiều khi cha mẹ chỉ mới tỏ ý không bằng lòng về việc con có bạn trai bạn gái là các em đã phản loạn, và có những hành động khiến cha mẹ càng lo lắng hơn. Đây thật là vấn đề nan giải của các bậc cha mẹ.

Có nhiều lý do khiến giữa cha mẹ và con cái trong tuổi thiếu niên dễ có điều xung đột khi đụng đến vấn đề tình yêu nam nữ:

1. Cha mẹ sợ con vướng vào chuyện tình cảm sớm rồi bỏ dở việc học hành trong khi đó có em lại muốn khám phá vùng trời tình yêu và muốn bắt chước bạn bè có bạn trai bạn gái sớm.

2. Khi biết con đã yêu, cha mẹ lo lắng, theo dõi, kiểm soát trong khi đó các em muốn được tự do nên bực bội vì sự kiểm soát của cha mẹ.

3. Cha mẹ biết rõ nguy hiểm của cám dỗ tình dục nên nhắc nhở, khuyên lơn, nhiều lúc phải cấm đoán, trong khi đó các em nghĩ là mình đã khôn lớn và trưởng thành, không cần sự nhắc nhở của cha mẹ nữa.

4. Cha mẹ đặt giới hạn và luật lệ trong vấn đề quan hệ với bạn trai bạn gái nhưng con cái thường vi phạm hoặc vượt quá những giới hạn đó.

5. Cha mẹ muốn con yêu người cha mẹ chọn, hoặc là theo tiêu chuẩn của cha mẹ nhưng các em lại yêu người cha mẹ không thích hoặc chọn người ngược với tiêu chuẩn của cha mẹ.

Lý do 1: Không muốn con yêu quá sớm

Thường thường là cha mẹ, chúng ta ai cũng sợ con yêu đương sớm rồi bỏ dở việc học. Chúng ta cũng sợ con dại dột yêu không đúng người hoặc quá mù quáng khi yêu rồi hỏng cả cuộc đời. Nỗi lo sợ của cha mẹ là điều chính đáng, nhất là khi con phải đi học xa, khi chúng ta phải sống tại những thành phố lớn, trong một xã hội có nhiều cám dỗ và tuổi trẻ có quá nhiều tự do. Tuy nhiên, nếu chúng ta để đến khi con bắt đầu yêu rồi mới hoảng sợ cảnh cáo, cấm đoán điều này điều kia thì e rằng lời nói của chúng ta không có tác dụng bao nhiêu.

Thật ra, con cái chúng ta bắt đầu yêu lúc nào chúng ta không kiểm soát được, ngay chính các em cũng không biết lúc nào mình sẽ yêu. Vì tình yêu đến với mỗi người một khác. Có người yêu sớm, lúc 15, 16; cũng có người hai mươi mấy tuổi vẫn chưa yêu ai. Cũng có người yêu nhau lúc mười mấy tuổi nhưng tình yêu đó chín chắn, vững bền. Cũng có người khá lớn tuổi mới yêu nhưng tình yêu đó ấu trĩ, không chân thành nên không bền. Nếu nghĩ lại lúc mình bắt đầu yêu, một số các bậc cha mẹ phải nhận là mình cũng đã yêu rất sớm.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều nói với con: Con phải học hành đến nơi đến chốn rồi muốn yêu ai thì yêu. Đừng có nghĩ đến chuyện tình cảm quá sớm. Cha mẹ nói thì nói như thế nhưng trong thực tế, khi tình yêu đến, ít có bạn trẻ nào có thể khép kín con tim, xua đuổi tình yêu để chú tâm vào việc học. Vì sao vậy? Chúng ta đều biết rằng, tuổi trẻ là tuổi muốn khám phá những điều mới lạ, và tình cảm dành cho người khác phái là điều mới lạ nhất và thu hút mạnh mẽ nhất đối với các bạn. Vì thế, khi đã gặp tiếng gọi của ái tình thì dù ai nói gì các bạn cũng để lời nói đó qua một bên và đáp lại tiếng gọi của tình yêu.

Mặt khác, cha mẹ không thể xem vấn đề tình cảm của con như một cái máy, khi nào cha mẹ cho phép yêu thì mới được mở máy lên và bắt đầu yêu. Chúng ta không thể cấm con không được tiếp xúc với người khác phái trong suốt thời gian đi học. Rồi đến khi con ra trường và có việc làm chúng ta nói: bây giờ con có thể nghĩ đến chuyện tình cảm, là lúc đó con chúng ta sẽ tìm được người yêu. Tình yêu không đến theo sự tính toán của con người. Vì lý do đó, cha mẹ có thể nhắc nhở khuyên bảo con, nhưng không nên nghiêm cấm. Sự cấm đoán của cha mẹ không ngăn cản các em yêu nhưng sẽ ngăn cản các em tâm sự, chia xẻ với cha mẹ về tình yêu của mình.

Hơn nữa, nếu muốn lời khuyên của mình mang lại kết quả mong muốn, chúng ta cần khuyên bảo con khi các em còn nhỏ. Lúc đó tâm hồn các em còn ngây thơ, tấm lòng còn mềm mại, sẵn sàng ghi nhớ và vâng theo lời dạy bảo của cha mẹ. Trong những năm con còn uốn nắn được, chúng ta có thể nói cho con biết mỗi khi một ít, tùy trong từng hoàn cảnh, trong lúc mẹ con hay cha con vui vẻ trò chuyện với nhau. Chúng ta cũng có thể kể cho con nghe chuyện những người con biết để lấy đó làm tấm gương tốt con nên bắt chước hoặc là những gương xấu con phải tránh.

Có một điều nữa chúng ta cần để ý, đó là nếu tình cảm giữa cha mẹ và con cái đậm đà, tốt đẹp, con em chúng ta sẽ không có bạn trai bạn gái sớm, vì nhu cầu tình cảm của các em được thỏa đáp. Nếu chúng ta không muốn con yêu đương sớm nhưng chúng ta không ban cho con tình thương yêu cách thường xuyên và cụ thể, chúng ta sẽ thất vọng, vì con sẽ đi tìm tình yêu ngoài gia đình. Hơn thế nữa, nếu đường dây đối thoại giữa cha mẹ và con cái được thông thương tốt đẹp từ khi các em còn nhỏ cho đến tuổi thiếu niên. Con cái sẽ không ngại chia xẻ với cha mẹ những suy tư, cảm nghĩ của mình. Và khi đối diện với tình yêu, các em cũng sẵn sàng tâm sự với cha mẹ. Có thể các em không nói hết tất cả nhưng ít ra các em sẽ không giấu cha mẹ. Ngược lại, nếu các em biết rằng nói ra sẽ bị la mắng, cấm đoán hoặc chê cười, các em sẽ không nói.

Nếu cha mẹ là người cởi mở và dễ dãi, nói chuyện với con cách thân thương gần gũi, các em sẽ kể cho cha mẹ nghe chuyện tình cảm của các em cách dễ dàng. Sự cởi mở giữa cha mẹ và con cái trong giai đoạn này rất cần thiết và sẽ đem lại ích lợi cho cả đôi bên: Cha mẹ có cơ hội giúp đỡ con, nói cho con biết về những nguy hiểm và cám dỗ trong tình yêu hoặc chia xẻ kinh nghiệm của mình với con để giúp con nhìn thấy vấn đề cách sáng suốt. Các em cũng được ích lợi vì nhờ được cha mẹ hướng dẫn, sẽ không bị lầm lẫn, cũng không bị lôi cuốn vào con đường hư hỏng.

Khi con còn nhỏ, chúng ta có thể tùy từng hồi từng lúc nói cho con biết về tình yêu nam nữ, và giải thích cho con biết về thiệt thòi của những người yêu quá sớm hoặc chưa học xong mà có gia đình v.v... Những lời tâm tình của cha mẹ trước khi con đến tuổi yêu, và trước khi con gặp người yêu thường có tác dụng tốt hơn là khi con đã vướng vào tình yêu. Khi con còn nhỏ nếu cha mẹ giải thích cho con hiểu những sự việc xảy ra chung quanh, nói về tương lai của con, giúp con đặt mục tiêu cho đời sống, v.v... các em có thể hình dung được là khi lớn lên các em muốn làm gì và vì thế dễ dàng hướng về mục tiêu đó.

Khi con em chúng ta thỏa vui trong tình thương của cha mẹ và tự tin về khả năng của mình, các em sẽ chú tâm vào việc học dễ dàng. Trái lại, những em sống trong gia đình thiếu tình thương của cha mẹ, giữa cha mẹ thiếu thuận hòa êm ấm, thường muốn lìa khỏi gia đình và vì thế sẽ bước vào tình yêu sớm. Có nhiều cha mẹ khi con còn đi học cấm con tuyệt đối không được quen với người khác phái, rồi sau đó thấy con lập gia đình trễ lại than phiền sao con không chịu lập gia đình để cha mẹ được yên tâm hoặc để cha mẹ được bồng cháu!

2. Khi biết con đã có người yêu, cha mẹ lo lắng nên theo dõi, kiểm soát, cấm đoán,

trong khi đó các em nghĩ rằng mình đã khôn lớn, cần cha mẹ để cho được tự do

Các nhà tâm lý học cho biết rằng, cha mẹ hay lo lắng khi biết con có bạn trai bạn gái hầu hết là vì nhớ lại kinh nghiệm của chính mình ngày xưa. Nếu ngày trước, khi trải qua tuổi thiếu niên, cha mẹ có một kinh nghiệm không vui hay không đẹp về vấn đề tình cảm thì khi biết con có người yêu, thường phản ứng bằng sự cấm đoán, la rầy hoặc ngấm ngầm lo lắng. Ngược lại, cũng có người ngày xưa khổ sở vì bị cha mẹ cấm đoán, hoặc vì bị cấm đoán mà mất người yêu hay bị lỡ thì. Những cha mẹ đó lại có khuynh hướng phản ứng ngược lại những bậc cha mẹ khác, tức là cho con tự do hoặc khuyến khích con trong vấn đề tình cảm.

Dù cha mẹ có kinh nghiệm như thế nào trong quá khứ, chúng ta cũng cần nghĩ đến phúc lợi của con. Nói như thế có nghĩa là chúng ta cần thông cảm với con và cũng thực thi thẩm quyền của cha mẹ. Trước hết, khi biết con đã yêu, chúng ta không nên bày tỏ phản ứng quá tiêu cực, tức là không nên la mắng om sòm hay cấm đoán. Nếu các em đã trên 16 tuổi, đó không phải là yêu quá sớm. Nếu các em dưới 16 tuổi, đó có thể chỉ là một tình cảm non dại mà người ta thường gọi là puppy love, nó sẽ qua đi rất mau. Nếu cha mẹ chỉ yên lặng quan sát con và bình thản như không có chuyện gì quan trọng, các em cũng sẽ tự nhiên, thoải mái và không xem tình yêu đó quá quan trọng.

Tuy nhiên, vì con em chúng ta còn non dại, chúng ta phải đặt giới hạn cho các em rõ ràng. Chẳng hạn như chúng ta cho phép con đi với bạn chung với những người bạn khác chứ không được đi riêng với nhau. Ví dụ như các em có thể đi chơi chung với các bạn trong hội thánh, hoặc cùng tham dự những sinh hoạt của trường. Nếu các em lớn hơn, khoảng 18, 19 chúng ta cho phép các em được gặp nhau tại nhà, khi có người lớn ở nhà. Chúng ta cũng có thể cho các em đi nơi này nơi kia với nhau nhưng với sự có mặt của một người thứ ba. Thường thường người thứ ba đó là chị em hay anh em trong gia đình.

Dù những giới hạn này đôi khi làm các em bực bội nhưng sau này các em sẽ biết ơn cha mẹ. Hơn nữa, nếu cha mẹ nói trước về những giới hạn này, từ khi con cái còn nhỏ, đến khi cần áp dụng, các em chấp nhận cách dễ dàng. Có bà mẹ kia luôn luôn nói với các con: mai mốt các con có bạn trai bạn gái, ba má có thể cho phép đi chơi nhưng phải đi chung với người khác, không được đi chơi riêng. Nếu không chịu như vậy thì không được có bạn trai bạn gái gì cả. Nhờ đặt giới hạn như thế từ khi con còn nhỏ, khi các con của bà có người yêu, các em thấy điều cha mẹ nói là điều dĩ nhiên, không em nào thắc mắc hay phàn nàn là cha mẹ quá khó (còn tiếp).

Minh Nguyên