Đặc điểm một gia đình vững mạnh - 2. Trong gia đình có Kỷ Luật

Yếu tố thứ hai để có thể đào tạo nên những đứa con trưởng thành về mặt tình cảm, tinh thần và tâm linh là trong gia đình cần có kỷ luật. Cha mẹ cần đặt luật lệ và giới hạn rõ ràng cho con vâng theo. Quý vị có thấy là thường thường điều gì chúng ta bảo con đừng làm thì các em muốn làm không? Ví dụ khi ngồi trong nhà thờ hay ở nơi cần yên lặng, nếu ta bảo con nói nhỏ là các em muốn nói to và nói nhiều.

Khi bảo con đi chứ không được chạy là các em sẽ chạy. Khi bảo con đi ngủ, các em sẽ tìm đủ mọi lý do để ra khỏi giường. Những điều tốt và hữu ích cha mẹ bảo làm các em không làm, còn những điều có hại và nguy hiểm, cha mẹ bảo đừng làm là các em muốn làm và có em phải làm cho bằng được. Tại sao con em chúng ta cứ thích làm ngược lại những gì cha mẹ dạy bảo? Đó là vì bản tính tội lỗi trong con người. Không chỉ các em nhỏ thích làm những điều không được phép làm mà các em lớn hơn và ngay cả người lớn cũng vậy. Điều gì sai quấy, có hại hay điều gì bị cấm là chúng ta muốn làm. 

Khi các em nhỏ làm ngược lại những gì cha mẹ dạy bảo, đó không phải là tính tự nhiên ngây thơ của trẻ con nhưng là các em thách thức thẩm quyền của cha mẹ. Các em muốn thử xem mình có thể vượt qua giới hạn mà cha mẹ đặt ra hay không, hoặc xem thử cha mẹ sẽ nhường bước đến đâu. Ở tuổi nào con cái cũng muốn thách thức thẩm quyền của cha mẹ, từ những em mới vài tháng, đến những em vài ba tuổi, và đặc biệt là các em trong tuổi thiếu niên. Ngoài ra, vì tính tò mò và vì ảnh hưởng và áp lực của bạn bè, con em chúng ta cũng dễ có khuynh hướng muốn làm ngược lại lời dạy bảo của cha mẹ. Vì những yếu tố đó, là cha mẹ chúng ta cần đặt luật lệ và giới hạn cho con, để không phải khóc, phải khổ vì có những đứa con ngỗ nghịch, không tôn trọng thẩm quyền của cha mẹ, lớn lên làm những điều gây thiệt hại cho bản thân và gia đình. Nếu con bước ra khỏi giới hạn và thách thức thẩm quyền của cha mẹ, chúng ta cần có biện pháp để chấm dứt điều đó. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh và mọi trường hợp, chúng ta cần hướng dẫn con bằng tình thương và kỷ luật. 

Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy rằng nếu thật sự thương con, chúng ta phải áp dụng kỷ luật để dạy dỗ, uốn nắn con nên người trưởng thánh. Sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước dạy những câu như sau: "Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó" (13:24). "Chớ tha sửa phạt trẻ thơ, dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt, ắt giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ" (23:13-14). Một lời dạy khác về việc dùng kỷ luật trong việc dạy con là: "Roi vọt và sự quở trách ban cho sự khôn ngoan; còn con trẻ phóng túng làm mất cỡ cho mẹ mình" (29:15). Sự dạy bảo và roi răn phạt của cha mẹ sẽ giúp con cái được khôn ngoan, các em sẽ biết đâu là điều tốt phải làm, đâu là điều xấu phải tránh. Nếu không rèn luyện uốn nắn con, các em sẽ trở nên những đứa trẻ vô kỷ luật, khiến cho cha mẹ phải xấu hổ. Có lẽ quý vị đã từng chứng kiến những em nhỏ nằm vạ, gào khóc nơi công cộng, cha mẹ xấu hổ mà không biết làm sao, lý do là vì ở nhà mỗi khi các em gào khóc như thế, cha mẹ lập tức chiều theo ý các em nên đó là cách các em đòi hỏi điều mình muốn, bất kể là đang ở đâu, những em đó không nể sợ cha mẹ hay một người nào. Vì mọi người đều sinh ra trong tội lỗi, nếu để tự nhiên không hướng dẫn sẽ chọn điều sai quấy và con đường tội lỗi, vì thế kỷ luật là điều không thể thiếu trong gia đình nếu chúng ta muốn đào tạo nên những đứa con trưởng thành. 

Thúy là một cô bé hoạt bát vui tính, năm 14 tuổi em bắt đầu vào trung học. Vì vui tính Thúy có nhiều bạn và các bạn hay rủ em đi chơi, đi party, nhưng Thúy thường phải từ chối lời mời của bạn vì cha mẹ không cho em đi chơi hay dự party ở nhà người lạ. Thúy giận cha mẹ và xấu hổ với bạn. Em nghĩ sao cha mẹ mình quá xưa và quá khó, không cởi mở những cha mẹ khác. Em cũng xấu hổ vì bị bạn chê là nhát, là tùy thuộc cha mẹ quá nhiều. Nhưng mười hai năm sau, bây giờ là người hướng dẫn thiếu niên trong nhà thờ, Thúy tâm sự với các em như sau: "Mười mấy năm trước chị cũng là một thiếu niên như các em. Chị muốn được tự do đi chơi, tới nhà bạn ngủ lại đêm, đi những party bạn mời nhưng cha mẹ không cho. Chị giận cha mẹ, nghĩ là cha mẹ quá nghiêm khắc, không muốn con vui với bạn bè. Nhưng bây giờ nghĩ lại chị cảm tạ Chúa cho chị có một người cha người mẹ vì yêu thương đã không ngại áp dụng kỷ luật để uốn nắn chị nên người. Chính nhờ sự nghiêm khắc của cha mẹ mà chị đã tránh được bao nhiêu nguy hiểm. Những party mà chị không được dự có chỗ người ta dùng rượu, cần sa ma túy. Trong số những bạn được tự do vui chơi có nhiều người không học đến đại học, có người vì lầm lỡ phải phá thai; chị cũng có những người bạn mới 17, 18 tuổi phải nghỉ học ở nhà nuôi con vì lỡ có con với người yêu. Hồi đó chị thường năn nỉ cha mẹ đi chơi, năn nỉ không được thì buồn khóc nhưng cha mẹ chị vẫn không đổi ý. Nếu cha mẹ các em không cho các em muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, đó là điều tốt cho các em, bây giờ các em không hiểu nhưng mai kia các em sẽ hiểu và sẽ cảm ơn cha mẹ." 

Kính thưa quý vị, nếu trong gia đình chúng ta còn những đứa con nhỏ, cần được hướng dẫn, sửa dạy, chúng ta cần nghĩ lại xem, với cách dạy con của chúng ta hôm nay, mai kia khi khôn lớn và hiểu biết, con cái chúng ta sẽ cảm ơn cha mẹ hay sẽ buồn vì cha mẹ đã quá dễ dãi với các em. 

Trong câu chuyện gia đình kỳ trước, chúng tôi có nói về hai yếu tố cần có để đào tạo những đứa con trưởng thành, đó là: Tình thương và kỷ luật. Về tình thương, con em chúng ta cần có một gia đình mà cha mẹ yêu thương nhau và cả cha và mẹ đều thương con, chăm lo cho con. Tuy nhiên, tình thương phải đi kèm với kỷ luật. Nếu cha mẹ chỉ thương con mà không có kỷ luật, con dễ trở thành hư hỏng. Ngược lại, nếu cha mẹ chỉ áp dụng kỷ luật mà thiếu thương yêu, con sẽ trở thành nhút nhát, mặc cảm và khó thành công trong đời. Con em chúng ta cần được cha mẹ yêu thương và dùng kỷ luật để hướng dẫn các em đến chỗ kính sợ Chúa, đi trong đường lối của Chúa.