Tình yêu thật - Bài 1: Tình yêu thương hay nhịn nhục

Mai là một cô bé sinh trưởng và lớn lên tại thành phố Đà-lạt thơ mộng. Tính Mai hiền lành, dịu dàng nên bạn bè ai cũng mến. Một điều đặc biệt khác ở Mai là nàng có đôi mắt to đen rất đẹp, ánh mắt Mai lúc nào cũng có vẻ buồn buồn, xa vắng rất là thu hút. Khi Mai lên 16 tuổi, nhiều chàng trai trong vùng theo đuổi, làm quen, người thì thầm thương trộm nhớ.

Trong khi đó Mai rầt là vô tư, chỉ biết lo học hành và chơi đùa với chúng bạn. Cuối cùng, năm 22 tuổi, một chàng trai tên Vinh được Mai để ý đến. Lý do là vì Vinh kiên trì theo đuổi Mai cho đến lúc đó, khoảng 4 năm tròn. và vì Vinh cứ khen Mai có đôi mắt đẹp. Anh nói anh muốn được nhìn đôi mắt ấy suốt đời.


Khi Mai học xong, cha mẹ đôi bên cho làm đám cưới. Những tháng đầu, trong khoảng thời gian mà người ta gọi là thời kỳ trăng mật, đôi vợ chồng trẻ có vẻ rất hạnh phúc, tâm đầu ý hợp. Vợ yêu thương chồng, chồng cưng chiều vợ. Gia đình rất là êm ấm. Hai năm sau vợ chồng Vinh có đứa con đầu lòng, nhưng cũng kể từ đó, tình yêu của Vinh đối với Mai không còn tràn đầy như trước. Vinh không còn chiều chuộng vợ, cũng không nói năng ngọt ngào với vợ. Lúc nào anh cũng mải mê với công việc. Những ngày không lo công việc thì đi chơi với bạn bè. Mai buồn lắm nhưng không biết nói làm sao vì hễ hỏi đến sự thay đổi của Vinh thì Vinh tức giận, chối và la ầm lên. Mai rất khổ tâm. Nàng mới sinh còn yếu, lại phải bận rộn với con nhỏ cả ngày lẫn đêm, Mai cần sự thông cảm và chăm sóc của chồng hơn bao giờ hết, nhưng chồng lại chẳng để ý gì đến Mai.

Cho đến nay, hai vợ chồng sống với nhau đã gần mười năm, Mai vẫn yêu chồng như trước nhưng tình yêu của Vinh đối với nàng hầu như đã chết. Vinh không còn quan tâm đến niềm vui nỗi buồn của Mai, anh chỉ làm bổn phận của một người chồng là đi làm đem tiền về cho vợ. Còn những thì giờ trò chuyện, những lúc đi dạo chơi hay ngồi tâm tình với nhau hoàn toàn không có nữa. Mai không hiểu tại sao chồng mình thay đổi quá nhiều như thế.

Một ngày kia, Mai tâm sự với một người bạn thân thì người bạn đó cho biết chồng của chị cũng vậy. Khi mới yêu nhau, hai người cứ nghĩ rằng tình yêu của mình là tình yêu đẹp nhất trên đời và sẽ không bao giờ phai nhạt, nhưng bây giờ hai vợ chồng thường hay nổi giận với nhau, lắm khi vì những chuyện rất là nhỏ nhặt và vô lý.

Có lẽ một số quý vị cũng nhìn thấy sự thay đổi trong tình yêu của vợ chồng của mình và không hiểu tại sao. Mới ngày nào mình nghĩ nếu không được lấy nhau chắc mình không sống nổi mà bây giờ nhiều lúc chẳng muốn nhìn mặt nhau, hai ba tuần không nói chuyện với nhau cũng không sao! Tại sao tình yêu của chúng ta mau thay đổi như vậy? Có người nói rằng bản tính của phái nam là thích đi chinh phục và khi chinh phục được điều gì rồi thì bỏ đó để tiếp tục đeo đuổi và chinh phục điều khác. Nhận xét này có lẽ cũng đúng. Khi mới lớn lên, hầu hết các ông đều thích đi chinh phục người đẹp, và khi chinh phục được người đẹp rồi, các ông thường hướng về công danh sự nghiệp và quên mất người vợ mà mình đã nhiều năm đeo đuổi mới cưới được. Có người thì không quên vợ vì công danh sự nghiệp nhưng vì một người đàn bà khác. Đây là điều đang xảy ra trong nhiều gia đình và gây đau khổ cho nhiều cuộc đời.

Nhiều người thay đổi tình yêu vợ chồng vì khi đi tìm người bạn đời, người đó chỉ nhắm mục đích tìm một người có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu cho mình, chăm sóc mình, để mình đeo đuổi những mục đích khác trong đời sống, chứ không nghĩ rằng mình cưới vợ hay lấy chồng để mang lại hạnh phúc cho người đó và để hai người có một hôn nhân hạnh phúc suốt cả cuộc đời.

Thật ra, trong buổi ban đầu, khi đến với nhau hầu hết chúng ta đều yêu thương nhau thật, nhưng tình yêu đó thường là cảm xúc của con tim. Yêu vì một lý do rất là tầm thường, có khi rất là ích kỷ hay mù quáng. Biết bao nhiêu người yêu mà không hiểu tại sao mình yêu. Rồi khi hết yêu cũng không hiểu tại sao mình không còn yêu người đó nữa. Tình yêu mà chúng ta thường nghe mô tả trong thi văn và âm nhạc thường là tình yêu lãng mạn của con tim, của cảm xúc, vì thế nó thay đổi vô chừng và rất chóng tàn.

Như vậy, làm thế nào để tình yêu vợ chồng không thay đổi, để chúng ta có thể trung thành, sống trong yêu thương với người bạn đời của mình suốt cuộc đời? Thưa quý vị, để có được tình yêu bền vững đó, chúng ta phải yêu nhau bằng tình yêu của lý trí. Đây là tình yêu vững vàng, rõ ràng, sáng suốt và mạnh mẽ. Tình yêu này không thay đổi theo hoàn cảnh, theo thời gian hay theo cảm xúc. Người yêu bằng tình yêu của lý trí là người nói rằng, dù chồng tôi hay vợ tôi không được như điều tôi mơ ước, không còn trẻ đẹp, giàu có như ngày tôi mới quen, hoặc dù có thế nào đi nữa, tôi vẫn yêu người đó cho đến cuối cùng, vì tôi đã hứa nguyện chung thủy với người đó trọn đời. Tình yêu này chính là tình yêu thật, vì nó không phải là cảm xúc mù quáng của con tim, không phải là tình yêu ích kỷ. Tình yêu này cũng không đặt điều kiện và không bao giờ thay đổi.

Tình yêu thật được Thánh Kinh mô tả với những đặc tính như sau:

Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ" (I Cô-rinh-tô 13:4-8).

Bản Kinh Thánh Công giáo dịch phân đoạn này như sau:

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được.

Đức mến hay tình yêu thương mà Thánh Kinh mô tả chính là tình yêu chúng ta cần mang vào hôn nhân để xây dựng một gia đình hạnh phúc bền lâu.

Để chúng ta thấy rõ đặc tính của tình yêu thật, là tình yêu của ý chí và lý trí, chúng tôi xin phép giải thích lần lượt từng đặc tính của tình yêu đó sau đây.

Trước hết, tình yêu thật là tình yêu nhịn nhục hay nhẫn nhục. Nhịn nhục hay nhẫn nhục có nghĩa là kiên nhẫn. Kiên nhẫn chờ đợi điều ta trông mong.

Chúng ta tìm thấy chữ "nhịn nhục" mang ý nghĩa này trong một vài chỗ khác trong Kinh Thánh. Ví dụ như trường hợp ông Áp-ra-ham "nhịn nhục" chờ đợi đứa con của lời hứa (Hê-bơ-rơ 6:15), hoặc người tin Chúa phải "nhịn nhục" cho tới kỳ Chúa đến, như người nông phu chờ đợi gặt hái kết quả trong đồng ruộng của mình (Gia-cơ 5:7-8).

Ngoài ra, "nhịn nhục" còn có nghĩa là kiên nhẫn chịu đựng. Người có lòng yêu thương thật là người có sức chịu đựng. Chịu đựng tất cả và chịu đựng mãi mãi. Theo một số nhà giải nghĩa Kinh Thánh, chữ "nhịn nhục" ở đây nói đến lòng kiên nhẫn chịu đựng đối với người chứ không phải là chịu đựng hoàn cảnh khó khăn.

Trong đời sống hôn nhân, chúng ta rất cần lòng nhịn nhục. Vợ và chồng là hai cá nhân riêng biệt, với nhiều điểm dị biệt. Mỗi người có những tính tình khác nhau, thói quen và sở thích khác nhau, do đó khi sống chung dễ có những đụng chạm, làm mất lòng nhau. Vợ chồng cần nhịn nhục nhau và chấp nhận nhau, để gia đình trên thuận dưới hòa. Người nhịn nhục là người khi bị người khác làm cho tổn thương hay thiệt hại, không vội vàng trả thù. Người nhịn nhục là người biết tự chế, không ăn thua với người khác, dù người đó gây đau khổ hay thiệt hại cho mình. Người có lòng nhịn nhục cũng là người kiên nhẫn chờ đợi sự can thiệp của Chúa, chờ đợi Chúa bênh vực và bào chữa cho mình.

Khi vợ chồng thật lòng yêu nhau và muốn đem lại hạnh phúc cho nhau sẽ sống với nhau trong tinh thần nhịn nhục. Biết bao gia đình tan nát chỉ vì vợ và chồng thiếu lòng nhịn nhục đối với nhau. Chúng ta thường nghe những câu như: "Ông ăn chả bà ăn nem" hay "Vỏ quít dày có móng tay nhọn', để mô tả phản ứng thông thường của con người khi bị người khác gây ra những thiệt hại cho mình.

Nhiều người chủ trương rằng vợ chồng không nên nhịn vì nghĩ rằng nhịn thì nhục, hoặc nhịn thì người kia sẽ ngày càng lấn lướt và mình càng bị thiệt thòi nhiều hơn. Điều đó có thể đúng nếu chỉ một mình người vợ hay chồng làm theo lời Chúa dạy. Nhưng dù vậy, nếu thật lòng yêu thương, chúng ta sẵn sàng nhịn nhục, và đến lúc Chúa sẽ cứu giúp chúng ta và ban phước cho đời sống chúng ta. Nếu mỗi khi vợ hay chồng làm điều gì không đúng hay không tốt đối với chúng ta mà chúng ta phản ứng lại cách giận dữ hoặc trả đũa lại người đó, chứng tỏ chúng ta chưa có lòng nhịn nhục, tức là chưa thật lòng yêu thương người đó với tình yêu cao đẹp như Lời Chúa dạy.

Có bà vợ kia, cũng như hầu hết các bà khác, đi đâu cũng hay bị trễ. Không những một mình bà bị trễ nhưng nhiều lần bà làm cho chồng bị trễ lây. Không phải bà cố tình cho trễ, nhưng vì không biết tính toán thì giờ, tham công tiếc việc hoặc đến giờ chót có những việc phải làm gấp, như lo cho con hoặc lo nấu ăn cho gia đình. Dù vì tính luôm thuộm, trễ nải của vợ mà người chồng gặp nhiều chuyện phiền phức nhưng ông không tức giận hay bỏ vợ ở nhà đi một mình. Trái lại ông rất kiên nhẫn, khi thì yên lặng đứng đợi, khi thì giúp vợ lấy áo, lấy giày, tìm chìa khóa. Ông chỉ nhắc bà lần sau cố gắng đừng cho trễ nữa chứ ông không quát tháo ầm ĩ hay nổi giận đối với vợ. Đó là người có lòng nhịn nhục.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành