Như chúng ta đều biết, vợ chồng là hai cá thể riêng biệt và khác biệt, được kết hợp làm một trong hôn nhân; sống chung một nhà, chia xẻ mọi điều trong đời sống. Vì khác nhau nhưng sống gần nhau và chia xẻ chung nhiều điều nên vợ chồng khó tránh được những lúc đụng chạm làm buồn lòng nhau và đưa đến bất hòa. Bất hòa là điều bình thường giữa vợ chồng nhưng chúng ta cần biết cách giải quyết những bất hòa đó sao cho tốt đẹp để hôn nhân không đổ vỡ nhưng vợ chồng sẽ hiểu nhau và thương nhau hơn.
Tiến sĩ Norman Wright là một giáo sư Tin Lành, chuyên về lãnh vực hôn nhân và gia đình. Trong quyển sách tựa đề Đối Thoại, Chìa Khóa cho Hôn Nhân, Tiến sĩ Wright nói rằng, khi vợ chồng có chuyện buồn giận nhau, chúng ta cần giải quyết với tinh thần cởi mở, khách quan, tế nhị và uyển chuyển. Cả hai người phải thật lòng muốn giải quyết bất hòa thì mới đạt được kết quả. Tiến sĩ Wright nêu ra 10 điều chúng ta cần áp dụng để việc giải quyết bất hòa được thành công. Chúng tôi chia xẻ những điều này để các bạn sắp lập gia đình cũng như quý vị đã có gia đình có thể áp dụng khi cần đến. Mười nguyên tắc giải quyết bất hòa gồm có:
1. Đừng tránh né xung đột bằng sự im lặng.
2. Đừng chất chứa buồn giận trong lòng.
3. Chọn thì giờ và nơi chốn thuận tiện để nói lên bất đồng ý kiến của mỗi người.
4. Mổ xẻ vấn đề hai người bất đồng ý kiến, đừng mổ xẻ nhau.
5. Chia xẻ ý kiến và cảm xúc một cách bình tĩnh, đừng trút cơn giận lên nhau.
6. Tập trung vào vấn về cần bàn thảo, đừng nói sang những chuyện khác.
7. Nếu nói người kia sai, phải cho biết thế nào là đúng.
8. Tránh nói những lời lên án nhau hoặc làm tổn thương nhau.
9. Đừng dựa vào khuyết điểm hay lầm lỗi để chế nhạo hay chê cười nhau.
10. Nếu biết mình sai hãy xin lỗi; nếu đúng, đừng nói gì cả.
Bây giờ chúng tôi xin trình bày vào chi tiết những nguyên tắc vừa kể.
1. Đừng tránh né xung đột hay bất hòa bằng sự im lặng
Nhiều người khi thấy vợ chồng bắt đầu có chuyện bất đồng ý kiến thì im lặng, không nói nữa. Sự im lặng đó không có nghĩa là đồng ý nhưng là để tránh bất hòa giữa hai người. Im lặng mà trong lòng ấm ức, không vui. Có người dùng sự im lặng như là một vũ khí để nắm quyền chủ động, tức là làm cho người kia bực bội hoặc lo sợ rồi cuối cùng phải chiều theo ý mình. Có lẽ một số quý vị đã từng dùng vũ khí im lặng khi có bất đồng ý kiến với vợ hay chồng. Tại sao chúng ta hay dùng sự im lặng khi có xung đột với người khác? Có người im lặng vì nghĩ rằng đó là cách giải quyết ít tổn thương nhất. Mỗi khi có chuyện bất bình cứ im lặng nuốt hết là xong. Cũng có người dùng sự im lặng để tránh xung đột vì đã có lần thử nói lên ý kiến của mình nhưng chẳng ai nghe, chẳng được ích lợi gì. Có khi chúng ta chọn sự yên lặng vì những tổn thương quá sâu đậm trong quá khứ. Sau đây là hình ảnh chúng ta thường thấy hoặc chính chúng ta đã kinh nghiệm: Người vợ giận chồng về một chuyện gì đó nên không nói chuyện với chồng. Người chồng đoán biết nên hỏi: Em có chuyện gì giận anh hả? Hoặc hỏi: Em giận gì vậy, nói cho anh biết được không! Người vợ trả lời: Không có chuyện gì hết, vừa nói vừa nhìn đi nơi khác, vẻ mặt không vui, và tiếp tục im lặng, không nói. Đó là trường hợp dùng sự im lặng như là một vũ khí hoặc để tránh bất hòa.
Chúng ta thường nghe câu: "Im lặng là vàng," nhưng im lặng trong trường hợp này không quý như vàng vì nó đem lại tai hại hơn là ích lợi. Chúng ta không thể vì sợ xung đột mà im lặng để trốn tránh hay chôn vùi nan đề mãi được. Các nhà tư vấn hôn nhân cho biết rằng 50% nan đề xảy ra trong gia đình là vì các ông chồng im lặng, không nói. Các ông thường có khuynh hướng tránh né, không muốn bàn đến nan đề của gia đình. Điều nguy hiểm là, những vấn đề mà các ông tránh không nói đến thường là những vấn đề quan trọng, cần nói ra để được giải quyết. Nếu mỗi khi vợ chồng có chuyện buồn giận nhau mà một người im lặng không nói sẽ đưa đến những hậu quả sau: Trước hết, giữa vợ chồng thiếu đối thoại cởi mở nên cả hai sẽ cảm thấy bực bội và tức giận. Vì tức giận, nan đề trở thành nghiêm trọng hơn. Người muốn nói để giải quyết nan đề càng cố gắng nói thì người im lặng càng nhất quyết im lặng và thu vào cái vỏ của mình, không nói, cũng không biểu lộ cảm xúc. Người muốn nói sẽ cảm thấy tức tối vì không thể lay chuyển người kia. Vì tức, người đó sẽ nói to, nói mạnh hơn, tức là sẽ la lối, mắng chửi hoặc bạo hành để người kia sợ mà không dám im lặng nữa. Nhưng tất cả những điều này thường là vô ích và có thể khiến người im lặng bị đẩy sâu hơn nữa trong thái độ im lặng. Khi người vợ hay người chồng nói với giọng tức giận: Sao không nói gì hết vậy? Có gì buồn giận thì cứ nói ra đi! Những câu thách thức đó chỉ khiến cho người im lặng thấy sự im lặng của mình có sức mạnh và có một tác dụng nào đó nên sẽ càng im lặng hơn.
Như vậy, chúng ta nên làm gì để người dùng vũ khí im lặng không im lặng nữa? Trước hết, chúng ta không nên buộc người đó phải nói ngay nhưng tôn trọng sự im lặng của người đó. Sau đó, cho người đó chọn một thời điểm thuận tiện để nói lên những gì chất chứa trong lòng. Khi người đó bằng lòng nói, chúng ta cần chú ý lắng nghe, nghe mà không ngắt lời cách bực bội, nghe và chấp nhận tất cả những cảm xúc phiền giận người đó tuôn đổ ra. Nếu chúng ta nghe với sự kiên nhẫn và thái độ cởi mở, người im lặng sẽ dần dần nói ra được những điều chất chứa trong lòng, đối thoại giữa vợ chồng nhờ đó được khai thông, nan đề được bàn thảo cách khách quan và bất hòa sẽ có thể được giải quyết.
2. Đừng chất chứa buồn giận trong lòng
Nếu có người vợ hay người chồng khi giận thường im lặng không nói, chúng ta dễ trở thành bực bội và tức giận. Người đó càng im lặng chúng ta càng cảm thấy tổn thương và bực tức. Và vì những cảm xúc đó không thể chia xẻ với ai, chúng ta sẽ ôm giữ và chất chứa trong lòng, dần dần chúng ta buồn nản và xuống tinh thần. Chất chứa phiền giận trong lòng là cách phản ứng nguy hiểm nhất khi vợ chồng có điều bất hòa. Chúa ban cho con người những cảm xúc buồn, vui, giận, ghét... Chúng ta cần biểu lộ những cảm xúc đó ra để vơi đi gánh nặng trong lòng và được người khác thông cảm. Chúng ta không nên chất chứa cảm xúc trong lòng quá lâu, hết ngày này qua ngày khác, nhất là những cảm xúc tiêu cực. Những phiền giận và đau buồn giữ lâu trong lòng có thể khiến chúng ta bị bệnh mà chết. Thánh Kinh xác chứng điều đó, tác giả sách Châm Ngôn viết: "Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay, còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo" (17:22).
Khi có điều buồn bực mà không thể nói với người phối ngẫu chúng ta nên nói với người mà mình có thể tin cậy hoặc là người trưởng thành trong Chúa. Người đó có thể thông cảm, an ủi hay giúp ý kiến cho chúng ta. Chúng ta cũng có thể chia xẻ với quý vị mục sư hay người lãnh đạo tinh thần, để những vị đó dùng Lời Chúa hướng dẫn và cầu nguyện cho chúng ta. Có người khi có chuyện phiền giận không nói ra nên người chung quanh không biết người đó đang buồn giận hay bị tổn thương, vì thế không quan tâm nhưng cứ ứng xử bình thường. Nỗi buồn giận bị đè nén lâu ngày sẽ gia tăng và đến một lúc nào đó sẽ bùng nổ ra. Lúc đó người buồn giận sẽ có những lời nói không đẹp hoặc những hành động nguy hiểm không lường được. Để tránh trường hợp này, khi vợ chồng có điều phiền giận nhau, chúng ta nên tìm cách nói ra càng sớm càng tốt. Chúa không cấm chúng ta giận nhưng bảo chúng ta phải kềm chế cơn giận và đừng giận lâu. Sứ đồ Phao-lô khuyên: "Khi anh em nóng giận thì đừng phạm tội, đừng căm giận cho đến lúc mặt trời lặn và đừng tạo một cơ hội nào cho ma quỷ" (Ê-phê-sô 4:26-27).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành