Những suy nghĩ sai lầm khiến teens... khó tiến bộ

Đổi thừa hoàn cảnh
Khi vấp ngã hay gặp những trục trặc, teen thường tự cho mình quyền đổ thừa cho hoàn cảnh sống. Nhiều bạn cho rằng mình không được như người ta là do hoàn cảnh mình không tốt bằng, gia đình mình không giàu bằng, mình không may mắn bằng…

Như trường hợp của Minh Trí, 16 tuổi là "chuyên gia" đổ thừa hoàn cảnh.

Không thể có điểm cao môn Mỹ thuật, thế là cậu đổ thừa do dụng cụ vẽ không tốt bằng người khác. Kết quả học tập không giỏi thì cậu đổ thừa hoàn cảnh rằng phải học thầy A, cô B thì mới giỏi được. Thế nhưng thật sự đâu phải vậy, rất nhiều teen vẫn học rất giỏi dù không một lần đi học thêm và có điều kiện gia đình khó khăn. Điều M.Trí thua người khác không phải do hoàn cảnh gia đình mà là do chính thói quen dựa dẫm và không biết phấn đấu trong cuộc sống.

Một số teen khi vấp ngã thì hay đưa ra những nguyên nhân bắt đầu bằng “tại cái này, do cái kia, vì cái khác”. Tất nhiên, không phải cuộc sống lúc nào cũng suôn sẻ. Nhưng không phải vì thế mà teen lấy những tác động bên ngoài để biện minh cho sự thất bại của mình. Ta cần phải học cách đương đầu và vượt qua nó đúng không?


Cho rằng có cố gắng cũng không bằng người khác!

Một số teen không đổ thừa cho hoàn cảnh sống, nhưng lúc nào cũng nghĩ rằng mình thua kém và có cố gắng cũng không thể bằng người khác. Như trường hợp của Minh Hoàng (học sinh trường X), cứ mỗi lần thất bại, M.H đều cho rằng do IQ mình không bằng người ta. Việc khó, việc dễ, M.H đều không tự tin vào bản thân. Mọi thất bại đều được đổ thừa rằng do vốn dĩ mình đã thua kém. Anh chàng không thoát khỏi được suy nghĩ bi quan này. Cũng vì suy nghĩ ấy, mà M.H đã bỏ qua rất nhiều cơ hội, từ công việc, học hành đến chuyện tình cảm. Mặc dù bạn bè và gia đình rất động viên, nhưng cách suy nghĩ tụt lùi của anh chàng khó mà sửa được.


Tính cách này chẳng hay chút nào, nhất là với các teenboy. Thực chất trong cuộc sống, ít ai thông minh hơn so với người khác quá nhiều. Những thành công đạt được là do “cần cù bù thông minh” là chính. Vì thế, bạn hãy ngẫm lại xem, có thể do bạn chưa thật sự cố gắng đấy thôi.


"Chậm mà chắc"?

Đây là một trong những câu nói rất thông dụng của teen. Lúc trước, người ta chỉ nói đến điều này khi làm những việc quá khó khăn, đòi hỏi tính cẩn trọng cao. Thế nhưng nhiều teen lại ì ạch với mọi việc với lí do “chậm cho chắc”.


Quốc Phong (du học sinh Singapore), sau 4 năm du học tiêu tốn của gia đình không ít tiền của nhưng anh chàng vẫn không thể tốt nghiệp. Nguyên nhân do lúc học anh chàng chẳng quan tâm đến bài vở cho lắm. Khi bạn bè nhắc thì anh chàng trả lời như thật: “Bọn mày học nhanh quá chẳng kịp hiểu. Tao tuy học rớt, nhưng cứ học đi học lại sau này biết đâu giỏi hơn bọn mày. Chậm mà chắc, chuyện học là chuyện cả đời mà”. Nói thì nói vậy, nhưng khi bạn bè cùng trang lứa học và lần lượt ra trường, anh chàng mới bắt đầu cảm thấy lo và ân hận.


Bên cạnh đó, bạn hãy nhớ rằng, trong cuộc sống có nhiều cơ hội chỉ đến duy nhất một lần và trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu không biết cách nhanh chóng nắm bắt nó, rất có thể teen sẽ không tìm được một cơ hội tốt như vậy lần nữa.


Đến đâu tính đến đó và... sao cũng được

Một số teen có thói quen "nước đến chân thì mới nhảy", và nếu nhảy không kịp thì... đành chấp nhận. Đây là một thói quen cực kì xấu xí của teen. Nó có tác động rất nhiều đến cuộc sống của teen nhé. Đơn giản như chuyện ôn tập để thi chẳng hạn. Nếu như cứ gần sát đến ngày thi mới bắt đầu nhảy vào học dồn thì làm sao có kết quả tốt? Mà mỗi lần có kết quả không tốt như vậy, nếu chỉ biết chấp nhận và bằng lòng với kết quả (theo châm ngôn sao cũng được) thì liệu teen có thể tiến bộ hơn chăng? Lần này không làm tốt, teen bằng lòng. Lần sau tiếp tục làm không tốt cũng tiếp tục bằng lòng thì bao giờ mới thay đổi và tiến bộ hơn được?


Đừng bao giờ bằng lòng và chờ đợi người khác thúc ép mới cuống lên làm. Hãy tự tập cho mình những thói quen làm việc theo những kế hoạch và mục tiêu. Trong cuộc sống ta cần biết phấn đấu không ngừng. Ngoài ra, chuyện “sao cũng được” sẽ khiến người khác đánh giá teen không cao. Nó làm người khác nghĩ rằng teen là một người không có lập trường riêng. Vì thế, hãy sửa.
Dr. Huơu