Học Cách Chấp Nhận Sự Khác Biệt

Tôi đang nghĩ đến vài người bạn. Người chồng là một giáo sư đại học và là một tác giả nổi tiếng. Những nhà tư tưởng và những thi sĩ cần nhiều giây phút yên tĩnh để suy tư.

Những giây phút mà nhìn bên ngoài có vẻ như họ không làm gì cả, nhưng thật ra đó là những giây phút làm cho tư tưởng của họ được hiện ra rõ ràng. Người vợ là một bà nội trợ bận rộn, cắt ngang dòng tư tưởng của ông khi bà nói:“Anh đang ở không! Anh ra đây giúp em bắc cái thang để hái mấy trái táo đi”.

Ở đây, chúng ta thấy sự xung đột giữa hai tính khí: một người trầm mặc, một người hiếu động. Người bạn giáo sư của chúng tôi cảm thấy mình không được thông cảm!

Vợ một người đàn ông khác không thể hiểu rằng chồng bà cần vận động chân tay sau một ngày ngồi yên ở sở. Nếu ông cầm cái cưa lên thì bà chỉ thấy công việc của mình sẽ phải làm là quét nhà sau đó, nên liền phản đối. Thế là ông chồng đâm ra dè dặt, ông chưa hiểu được rằng vợ ông đồng hoá bà với căn nhà đến độ cho rằng nếu nhà bẩn là chính bà bị bẩn!

Bởi vì thất bại trong việc hiểu nhau mà người ta rơi vào tình trạng nguy hiểm là làm ngơ trước những nhu cầu của nhau, đặc biệt là người này không nhận thức được tầm quan trọng lớn lao của những nhu cầu đó đối với người kia. Người ta có thể chế nhạo những nhu cầu này, coi nhẹ những sở thích kia, ví dụ như sở thích chơi tem của chồng hoặc nhu cầu bạn bè của vợ. Coi nhẹ những điều này là gây ra những vết thương đau đớn. Một lời nói đùa giữa hai người yêu có thể rất dễ thương, nhưng sự bông đùa thiếu hiểu biết có thể làm cho vợ chồng thương tổn nặng nề.

Cũng có những điểm bất đồng căn bản giữa những loại người: những người có tính hướng ngoại yêu thích đời sống xã hội, vui vẻ, xông xáo và những người hướng nội thích tìm kiếm sự yên tĩnh và đắm mình trong suy tư. C.G.Jung đã mô tả họ và cho chúng ta thấy rằng lý trí và tình cảm như là hai cực đối nhau. Theo bản năng thì một người đàn ông rất lý trí sẽ lập gia đình với một người đàn bà rất tình cảm. Sự bổ túc cho nhau của họ lúc đầu sẽ tạo nên một phản ứng nồng nhiệt trong người đàn ông. Nhưng dần dần sau đó anh lại muốn làm cho nàng phải nghe theo những lý lẽ khách quan của anh. Anh sẽ bực mình khi thấy thất bại trong việc này. Anh sẽ cố gắng chứng tỏ cho nàng thấy rằng nàng không hợp lý trong những bộc phát tình cảm của nàng. Còn nàng thì chẳng quan tâm đến điều này tí nào cả. Về phần nàng, thì nàng sẽ lên án chồng về cách đối xử quá lý trí, lạnh lùng như nước đá của chồng, nó làm tê cứng đời sống.

Dù vậy, hãy nhận biết rằng những người có bản tính khác nhau được dựng nên để bổ túc cho nhau. Người này qua đời sống của người kia có thể khám phá rất nhiều về những điều họ không biết hoặc không cảm thấy được trước đây. Đó là một trong những lý do của hôn nhân. Để cảm thông nhau, vợ chồng cần phải chấp nhận những điểm khác biệt tự nhiên.

(Trích “Để Cảm Thông Nhau”, Paul Tournier)