Liên Hệ Giữa Tình Trạng Sa Sút Thuộc Linh Và Hôn Nhân

Một khi nghi ngờ tình yêu của Chúa thì dân Giu-đa thấy công việc Chúa trở nên nặng nề khó nhọc, từ đây họ không còn giữ đúng cam kết với Chúa cũng như với người chung quanh.

Quí vị sẽ nghiệm thấy rằng lòng trung thành của quí vị đối với Chúa là nền tảng cho lòng trung thành của quí vị đối với người khác. Nếu quan hệ của quí vị đối với Chúa được ổn thỏa, lòng của quí vị trung thành đối với Chúa thì công việc quí vị làm và quan hệ của quí vị đối với những người chung quanh sẽ là kết quả của mối quan hệ đối với Đức Chúa Trời. Nhưng nếu có điều gì bất ổn trong mối quan hệ với Chúa thì quan hệ của quí vị đối với người khác cũng như lòng trung thành của quí vị đối với họ sẽ bị dao động.


Người quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta là người vợ hay chồng, chúng ta chung sống với họ cả đời trong một mái gia đình. Đề cập đến vấn đề ly dị, Ma-la-chi nói với quí ông rằng: “Khi ngươi không xem trọng cam kết của mình đối với Đức Chúa Trời thì bước tiếp theo là ngươi không còn xem trọng cam kết của ngươi đối với vợ ngươi.” Một khi người Giu-đa ly dị vợ họ, thì đây là sự kiện chứng tỏ rằng họ không còn giữ lời cam kết đối với Đức Chúa Trời.

Hôn nhân dựa trên điều gì? Tại sao nhiều người muốn cử hành lễ cưới long trọng tại nhà thờ? Yêu Chúa có nghĩa gì? Yêu vợ hoặc yêu chồng có nghĩa gì? Một người trưởng thành sẽ hiểu rằng, yêu thương là một thái độ cam kết. Chúng ta cam kết yêu Chúa, chúng ta cam kết trước mặt Chúa là sẽ yêu vợ hoặc chồng mình. Điều nầy không tùy thuộc vào việc chúng ta cảm thấy họ thế nào, chúng ta yêu họ vì chúng ta đã cam kết như vậy. Chúng ta cam kết yêu họ cho dầu họ thế nào đi chăng nữa, yêu với tình yêu vô điều kiện và yêu bằng tình yêu không bị tàn phai.

Đó chính là ý nghĩa của tình yêu. Nếu có trục trặc xảy ra trong mối quan hệ yêu thương theo chiều đứng nghĩa là tình yêu của quí vị đối với Đức Chúa Trời thì nó sẽ biểu lộ qua những gãy đổ trong mối quan hệ theo chiều ngang nghĩa là quan hệ giữa quí vị đối với những người chung quanh.

Có vài cặp không ngần ngại hỏi vị Mục sư hành lễ cưới cho họ rằng:“Thưa Mục sư, Mục sư có thể làm lễ cưới cho chúng tôi mà không cần đến lời hứa nguyện giữa chúng tôi không?” Mục sư hỏi họ: “Tại sao anh chị muốn làm lễ cưới trong nhà thờ?” Họ đáp: “Vì chúng tôi muốn có một đám cưới theo nghi thức của tín hữu Tin lành.” Vậy thì ý nghĩa của đám cưới giữa hai người cùng niềm tin nơi Chúa là thế nào? Đây là mối liên hệ yêu thương, một cam kết yêu thương. Trước tiên cam kết nầy bắt đầu với Chúa. Một khi chúng ta đã có được nền tảng nầy thì chúng ta có tình yêu đối với người và giữ cam kết với người.

Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguội lạnh với Đức Chúa Trời đó là chủ nghĩa tương đối. Nói dễ hiểu có nghĩa là không có điều gì đúng điều gì sai, đạo đức chỉ là tương đối. Để xoa dịu lương tâm vì phá vỡ lời cam kết thì dân sự của Chúa đặt vấn đề liệu có cái gì là đúng, liệu có cái gì là sai không. Một khi con cái Chúa không xem trọng sự cam kết với người khác thì họ bắt đầu tìm cách bào chữa cho hành động đó. Mọi sự chỉ là tương đối, không có gì là đúng, không có gì là sai. Mở đầu cuộc hội nghị cho những người làm việc với thanh thiếu niên phạm pháp, một người lãnh đạo tuyên bố: “Xin quí ông bà nhớ cho là thời nay không có gì là tuyệt đối cả.” Một trong những người tham dự liền phát biểu: “Thưa bác sĩ, tôi vừa giúp đỡ một thiếu nữ 14 tuổi đang mang thai. Việc mang thai nầy là tuyệt đối chớ không tương đối gì cả. Vậy tại sao bác sĩ nói với các bạn trẻ rằng không có gì là tuyệt đối.” Hậu quả những hành động của chúng ta là tuyệt đối, nó là tuyệt đối tốt hay tuyệt đối xấu. Nếu có những hậu quả hoặc tốt, hoặc xấu hiển nhiên như vậy thì chắc chắn phải có những tiêu chuẩn hoặc đúng hoặc sai rất phân minh.

Ngày nay con người cho rằng đạo đức chỉ mang tính chất tương đối. Điều nầy cũng chẳng mới mẻ gì, đây là vấn đề mà tiên tri Ma-la-chi đã nói đến đương thời ông. Kinh Thánh dạy rằng có một tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối. Có những điều được xem là đúng và có những điều được xem là sai. Một khi Đức Chúa Trời nói điều nầy đúng là vì hậu quả của nó tốt. Ngài phán điều kia sai là do hậu quả của nó xấu. Vì hậu quả hoặc tốt hoặc xấu nên có một tiêu chuẩn đạo đức hẳn hoi. Khi con người sống buông thả thì họ phải tìm cách bào chữa để cho rằng chẳng có gì là đúng chẳng có gì là sai. Đây là lối sống của người Giu-đa đương thời Ma-la-chi.

(Trích lược Bảy Điểm Dẫn Đến Tình Trạng Xuống Dốc Thuộc Linh, Phát Thanh Tin Lành)